Ðồng minh của Mỹ có thể gánh chịu hậu quả vì vấn đề buôn người

  • Suzanne Presto

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tiếp các giới chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao hồi chiều ngày 1/2/2011 nhân một cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm chống buôn người

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tiếp các giới chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao hồi chiều hôm qua nhân một cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm chống buôn người. Phát biểu sau cuộc họp cấp bộ trưởng, vị đại sứ phối hợp các nỗ lực chống buôn người, ông Luis CdeBaca, cho hay một số đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ có thể bị xuống cấp trong báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ. Từ Washington, thông tín viên VOA Suzanne Presto ghi nhận thêm một số chi tiết sau đây.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố ‘Báo cáo về nạn Buôn người’ trong 10 năm vừa qua. Báo cáo xếp hạng mức độ tuân thủ Bộ luật Bảo vệ Nạn nhân bị mua bán dựa vào thang điểm 5 loại.

Các nước được xếp vào Loại 1 được cho là tuân thủ đầy đủ, trong khi các nước bị xếp hạng vào Loại 3 bị coi là không tuân thủ và không thực hiện các nỗ lực đáng kể trong việc phòng chống buôn người.

Bên trong loại 2, có hai mức – mức dưới gọi là Danh sách Theo dõi. Các quốc gia trong danh sách này được cho là có cố gắng, nhưng buôn người vẫn là vấn đề đáng lưu tâm và quốc gia này không giải quyết được đúng mức.


Đại sứ Luis CdeBaca nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao rằng 2011 là năm đầu tiên áp dụng điều khoản tự động xuống cấp. Ông giải thích rằng những nước trong danh sách theo dõi thuộc Loại 2 trong 2 năm liền sẽ phải cải tiến nếu không sẽ bị tụt hạng xuống mức thấp nhất là Loại 3.

Ông CdeBaca nói: “Đầu tiên và trên hết, bản Báo cáo thường niên về Buôn người sẽ được công bố lại trong năm nay, và điểm đáng chú ý là một số trong các nước đồng minh chiến lược chủ chốt của chúng ta có nguy cơ bị tự động xuống cấp từ Danh sách Theo dõi Loại 2 tụt xuống Loại 3, vì đã không giải quyết được vấn nạn buôn người một cách đầy đủ.”

Nga, Ấn Độ, Iraq, Qatar và Yemen nằm trong số các quốc gia đã bị xếp vào danh sách Theo dõi Loại 2 cả trong 2 năm 2009 và 2010.

Cũng ngày hôm qua, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho hay đã truy tố nhiều vụ buôn người trong năm ngoái hơn hết so với trước đây. Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder cho hay đây là năm thứ ba liên tiếp cơ quan của ông có thể nêu ra thành tích đó.

Các bộ Tư pháp, An ninh Nội địa và Lao động cũng đã thông báo một kế hoạch mới để tinh giản các cuộc điều tra hình sự của liên bang và các vụ truy tố buôn người. Các nhân viên điều tra liên bang và các công tố viên sẽ hợp tác liên cơ quan để chống lại các mối đe dọa buôn người, phá vỡ các mạng lưới và truy tố những kẻ buôn người.
Ông CdeBaca cho biết lực lượng đặc nhiệm thừa nhận cần phải có nhiều biện pháp hơn để giúp các nạn nhân bị buôn bán – những người có quốc tịch cũng như không có quốc tịch Mỹ – giúp họ tiếp cận các nguồn lực mà họ cần đến ở Hoa Kỳ.

Ông CdeBaca nói thêm: “Chúng tôi sẽ tìm cách bảo đảm rằng những người làm việc trong các hệ thống tư pháp thiếu niên, an sinh cho trẻ em, và di trú, được trang bị kiến thức và huấn luyện cần thiết để nhận diện và giúp các nạn nhân và trở thành một mẫu mực thực sự cho phần còn lại của thế giới, trong phạm vi chăm sóc các nạn nhân.”

Ông cũng cho biết Bộ Ngoại giao sẽ thiết lập một cuộc tường trình thường niên cho các nhà ngoại giao nước ngoài và nhân viên trong nước đi cùng với họ, trong cố gắng tăng cường bảo vệ những người giúp việc nhà.

Các hình thức buôn người chính gồm cưỡng bách lao động, mua bán tính dục và cưỡng bách làm việc nhà cả trẻ em lẫn người lớn.