Đường dẫn truy cập

HRW: Ấn Độ cần ngăn chặn những vụ vi phạm nhân quyền


Cảnh sát Ấn Ðộ canh gác bên ngoài khách sạn Taj Mahal ở Mumbai
Cảnh sát Ấn Ðộ canh gác bên ngoài khách sạn Taj Mahal ở Mumbai

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở New York đã kêu gọi Ấn Độ ngăn chặn những vụ vi phạm nhân quyền mà tổ chức này cho là xảy diễn trong khi tiến hành các nỗ lực chống khủng bố. Bản phúc trình cảnh báo rằng những vụ vi phạm như thế có thể có phản tác dụng trong cuộc chiến chống khủng bố. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.

Bản phúc trình hôm nay của Human Rights Watch tập trung vào hậu quả của một loạt những vụ đánh bom vào năm 2008 đã gây thiệt mạng cho hơn 150 người ở các thành phố New Delhi, Jaipur và Ahmedabad.

Giám đốc ở Nam Á của tổ chức này, bà Meenakshi Ganguly nói áp lực đối với cảnh sát trong việc nhận diện thủ phạm các vụ tấn công khủng bố đó đã dẫn tới việc bắt bớ tùy tiện và những vụ vi phạm nhân quyền ở mọi giai đoạn của công tác câu lưu.

Bà Ganguly nói: “Trong trường hợp này, chúng tôi nhận thấy nhiều người bị bắt bớ. Họ bị đưa tới các đồn cảnh sát. Nhiều khi họ bị tra tấn hay bị giam giữ mà không đưa ra cho quan tòa xét xử và một số người cho biết đã bị cưỡng ép thú tội, và chung cuộc nhiều người đã rút lại lời thú tội.”

Bản phúc trình nói đa số các nạn nhân là nam giới theo hồi giáo. Một nhóm chủ chiến Hồi giáo có tên là Mujahideen của Ấn Độ đã nhận trách nhiệm về những vụ tấn công năm 2008. Nhưng bản phúc trình nói các phần tử bị nghi là Ấn giáo cực đoan đã bị quy trách về một vụ đánh bom khác, cũng chịu cảnh bị ngược đãi.

Bà Ganguly cảnh báo rằng những vụ vi phạm đó có thể gây phương hại cho các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố qua việc trừng phạt những người vô tội, trong khi những kẻ có tội thì vẫn được tự do, và qua việc gây tác hại cho sự tin tưởng của công chúng vào nhiệm vụ điều tra của cảnh sát.

Bà Ganguly nói rằng: "Có khá nhiều trường hợp, khi cảnh sát dùng biện pháp tra tấn, thông tin thu thập được là thông tin sai lạc. Vì thế mà nhận diện sai những người bị cho là thủ phạm các vụ tấn công... dân chúng ở Ấn Độ không có tin tưởng vào các cuộc điều tra bởi vì rất nhiều khi tra tấn là phương pháp duy nhất để buộc phải thú tội.”

Bản phúc trình kêu gọi giới hữu trách Ấn Độ điều tra trường hợp 9 người Hồi giáo bị bắt giữ về vụ nổ bom năm 2006 tại Malegoan trong bang Maharashtra. Các cuộc điều tra thêm cho thấy thủ phạm là các phần tử Ấn giáo cực đoan.

Theo đúng thông lệ từ trước, giới hữu trách Ấn Độ đã không bình luận về bản phúc trình.

Bà Ganguly cho rằng có sự ủng hộ trong giới hữu trách Ấn Độ dành cho việc ngăn chặn những vụ vi phạm nhân quyền, nhưng đã không diễn ra các thay đổi về cơ chế.

Bà Ganguly nói tiếp: "Ở các cấp cao nhất khi chúng tôi tiếp xúc với chính quyền Ấn Độ, có sự cam kết không dung thứ các vụ vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, trên thực tế thì cam kết này đã không biến thành hành động nào có ý nghĩa.”

Các chuyên gia về an ninh nói rằng Ấn Độ vẫn lệ thuộc vào các phương pháp công an cũ do giới cai trị thuộc địa lập ra trong đó sự ngược đãi phạm nhân là tập tục thông thường. Các yêu sách đòi cải cách cảnh sát đã được đưa ra nhiều lần, nhưng các chính phủ nối tiếp nhau vẫn chưa có mấy biện pháp khởi sự các cải cách đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG