Ông Francois Hollande nhậm chức trong tuần này hứa sẽ đoàn kết nước Pháp và giúp sửa chữa những vấn đề kinh tế. Nội các khuynh tả của ông với số nam và nữ bộ trưởng cân bằng đã khởi sự làm việc hôm thứ Năm, nhưng những hành động đầu tiên của Tổng thống Hollande lại diễn ra ở hải ngoại chứ không phải ở trong nước.
Chỉ mấy giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Hollande mở các cuộc thảo luận đầu tiên với thủ tướng Đức Angela Merkel, đối tác châu Âu quan trọng nhất của nước Pháp. Mặc dù họ thảo luận về đoàn kết, lại có những khác biệt lớn.
Ông Hollande cổ vũ cho tăng trưởng cùng với các biện pháp khắc khổ để đối phó với khủng hoảng nợ công của châu Âu. Bà Merkel thì lại chặt chẽ về ngân sách.
Nhưng duờng như ông Hollande đang ghi được bàn thắng. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNBC của Hoa Kỳ, bà Merkel tỏ dấu hiệu cho thấy bà cũng cởi mở với những biện pháp kích thích kinh tế, nhất là đối với nước Hy Lạp đang bị nợ nần bủa vây.
Ông Hollande còn phải đối phó với một trắc nghiệm ngoại giao nữa ở Hoa Kỳ, nơi ông sẽ có những cuộc thảo luận vào thứ Sáu với tổng thống Barack Obama.
Ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G8 và NATO. Đây là những cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ tổng thống Xã Hội ít được biết đến ở bên ngoài nước Pháp.
Giới phân tích cho hay ông Hollande với cung cách kín đáo sẽ cho thấy một khác biệt trong lối xử sự so với người tiền nhiệm, ông Nicolas Sarkozy, thẳng thắn bộc trực.
Ở Pháp, ông Sarkozy được gán cho biệt danh là “Sarko người Mỹ” vì ông thích uống nước ngọt đóng chai và ăn hamburger. Vị cựu lãnh đạo nước Pháp đã đứng ở tuyến đầu trong những nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và chiến dịch của NATO tại Libya.
Nhưng về thực chất, chuyên gia chính trị học Bruno Gautres không dự kiến sẽ có thay đổi căn đễ trong chính sách đối ngoại dưới thời tổng thống mới. Ông nói:
”Có một số khuynh hướng lịch sử trong chính sách đối ngoại của nước Pháp. Tôi không thấy có một thay đổi lớn nào trong đó. Mối quan hệ Pháp-Mỹ vẫn sẽ tốt đẹp và quan trọng. Các chính sách của Pháp ở Trung Đông đã có từ lâu. Nước Pháp luôn luôn đòi cho Palestine có một qui chế quốc gia chính thức và được công nhận. Còn Afghanistan thì gần xong rồi.”
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Chicago, ông Hollande sẽ phải bênh vực việc nước Pháp rút binh sỹ ra khỏi Afghanistan sớm. Nhưng quyết định đó đã được ông Sarkozy đưa ra.
Và các sách lược hậu thuẫn tăng trưởng cho châu Âu của ông Hollande có phần chắc sẽ được Washington hoan nghênh. Washington cũng đang thúc đẩy những biện pháp tương tự.
Tân tổng thống Pháp Francois Hnollande công du Hoa Kỳ vào thứ Sáu chỉ mấy ngày sau khi ông nhậm chức. Hội nghị thượng đỉnh của khối G8 và khối NATO sẽ cho thấy một nhận xét tổng quan về chính sách đối ngoại của nước Pháp dưới quyền của người lãnh đạo mới.