Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho hay Nam Sudan là nơi có tỷ lệ trẻ em không đi học cao nhất, có tới hơn một nửa trẻ em trong độ tuổi tiểu học và những lớp đầu trung học không được học hành. Niger bám sát ở vị trí thứ hai với 47% trẻ em không thể đi học, tiếp sau là Sudan và Afghanistan. Theo UNICEF, gần 24 triệu trẻ em ở 22 nước không được tới trường. Thông tín viên Zlatica Hoke tường trình rằng bạo lực và nghèo đói là những nguyên nhân chính làm cho nhiều trẻ em lớn lên mà không được học hành.
Trẻ em trong các trại tị nạn lớn ở Nam Sudan thật may mắn khi được học hành chút ít, cho dù chỉ là trong các ngôi trường tạm hoặc ở ngoài trời.
Một trong những địa điểm lớn nhất là Mingkaman ở Bang Lakes miền trung.
Hiệu trưởng Michael Jutin của trường tiểu học Mingkaman nói: "Chúng tôi giảng dạy rất suôn sẻ nhưng có nhiều thách thức đặt ra với chúng tôi. Trước hết là không có đủ giáo viên, còn số học sinh thực sự là cao."
Nhưng ở Nam Sudan, 51% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và các lớp dưới của trung học không hề được học hành. UNICEF cho hay tình trạng có thể còn tồi tệ hơn vì khó có thể thu thập đủ số liệu ở những khu vực có chiến sự.
Nạn bạo lực diễn ra sau khi Nam Sudan độc lập năm 2011 đã buộc 500.000 người phải di tản khỏi quê hương, thường là đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh, tách khỏi nền văn minh. Các cơ quan nhân đạo đang ra sứcdựng lên các trường tạm ở các trại tị nạn, nhưng họ thiếu ngân quỹ nên không thể đáp ứng nhu cầu. Nhiều năm chiến sự đầy chết chóc giữa các phe phái đã làm nhụt chí các nhà tài trợ.
Ông Festus Mogae thuộc Ủy ban Giám sát và Thẩm định nói: "Như bạn biết đấy, giờ đây các nhà tài trợ không sẵn lòng như trước vì họ không hài lòng với những gì đã xảy ra."
Và theo lệ thường, chỉ 2% viện trợ nhân đạo được dành cho việc giáo dục trong tình trạng khẩn cấp. Hầu hết ngân quỹ viện trợ được sử dụng để cung cấp hàng thiết yếu cho các mục đích sống còn: thực phẩm, lều trại và chăm sóc y tế. Các quan chức Liên Hiệp Quốc nói có rất nhiều trẻ em trải qua thời thơ ấu trong các trại tị nạn, và điều này phải thay đổi.
Ông Gordon Brown, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Giáo dục Toàn cầu, phát biểu: "Chúng tôi đang lập kế hoạch tạo ra một chương trình nhân đạo có tính chất khung cơ bản về giáo dục ở những nơi rơi vào tình trạng khẩn cấp khi chúng tôi họp thượng đỉnh thế giới về vấn đề nhân đạo ở Istanbul vào mùa xuân năm nay."
UNICEF nói rằng ở những nước trải qua những thời kỳ bất ổn và bạo lực kéo dài, các trường học có ý nghĩa to lớn hơn chứ không chỉ là nơi học tập. Cơ quan này đang làm việc để mang lại những môi trường an toàn cho trẻ em vui chơi cũng như học hành, và mang tới cho các em niềm hy vọng về tương lai.