Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 60 năm thành lập

  • Lisa Schlein

Xe tải của Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Kosovo hỗ trợ việc di dời người Roma (Gypsy)

Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc được thành lập sau Thế chiến thứ hai để giúp đỡ hàng triệu người ở châu Âu bị thất tán sau chiến tranh. Lẽ ra cơ quan này đã ngưng hoạt động sau 3 năm, nhưng do tình hình chiến tranh và xung đột khắp nơi, cho đến nay hoạt động của cơ quan vẫn còn cần thiết. Đánh dấu kỷ niệm 60 năm vào ngày 14 tháng 12, thông tín viên Lisa Schlein có bài tường trình sau đây.

Loay hoay đối phó với hết làn sóng tỵ nạn này đến làn sóng tỵ nạn khác không phải là lý do để Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ăn mừng; nhưng quả thật, sau khi giúp đỡ hơn 50 triệu người xây dựng lại cuộc sống trong 60 năm qua, cơ quan này xứng đáng để mọi người tán thưởng.

Cao Ủy Tỵ nạn đã nhận được hai giải Nobel Hòa bình, ghi nhận công lao đã giúp cho rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh bơ vơ tột cùng trên khắp thế giới.

Theo lời Phó cao ủy Alexander Aleinikoff, điều trớ trêu là trong hầu như suốt 60 năm, ai cũng nghĩ rằng chỉ cần cơ quan này hoạt động một thời gian tạm thời rồi sẽ ngưng. Nhiều người cho rằng tình hình tỵ nạn không kéo dài và thế nào cũng được giải quyết. Ông nói tiếp:

“Cho mãi đến vài năm trở lại đây, cơ quan của chúng tôi mới được Liên Hiệp Quốc chính thức nhìn nhận là một cơ quan cần có mặt vĩnh viễn, bởi vì vấn đề tỵ nạn sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi, lúc nào trên trái đất cũng có người vượt biên vì nhiều lý do khác nhau, họ cần sự che chở, bảo vệ và giúp đỡ của quốc tế. Chúng tôi đóng vai trò đó.”

Năm 1956, Cao Ủy Tỵ nạn đối mặt với làn sóng tỵ nạn quan trọng đầu tiên. Hồng quân Xô viết đè bẹp cuộc khởi nghĩa tại Hungary, buộc hơn 180.000 người Hungary bỏ chạy khỏi xứ sang các nước bên cạnh.

Ông Ron Redmond, cựu Phát ngôn viên và hiện là tham vấn của Cao Ủy Tỵ nạn, cho rằng đó là dấu mốc quan trọng của cao ủy:

"Trước khi xảy ra cuộc nổi dậy, cao ủy chỉ đối phó với các trường hợp riêng lẻ, cá biệt. Thế rồi bỗng dưng có một tập thể to lớn bỏ chạy vì cùng một lý do, khiến cao ủy phải có một giải pháp tập thể, dựa trên điều mà thuật ngữ pháp lý gọi là 'bằng chứng hiển nhiên'."

Trong thập niên 1960, phong trào giải phóng đòi độc lập khỏi tay thực dân ở châu Phi dẫn đến những đợt tỵ nạn đầu tiên của châu lục. Các đợt quan trọng kế tiếp gồm có chiến dịch vượt biển của các thuyền nhân Việt Nam, cuộc đào thoát của hàng triệu người tỵ nạn Afghanistan sau khi quân đội Xô viết tiến vào nước này trong những năm 1980, và cuộc diệt chủng tại Rwanda năm 1994, buộc hàng trăm ngàn người phải ra đi.

Ông Redmond nói rằng Cộng hòa Dân chủ Congo, trước đây gọi là Zaire, vẫn chưa hoàn hồn sau khi phải tiếp nhận khối người sắc tộc Hutu khổng lồ đến từ Rwanda:

“Trong những năm tiếp theo cuộc diệt chủng tại Rwanda, vẫn còn nhiều người tỵ nạn Hutu tại miền Đông Congo, trong đó có những người đã phạm tội diệt chủng. Điều này tạo ra vấn đề cực kỳ khó khăn cho cao ủy bởi vì những kẻ phạm tội sống chung với người tỵ nạn chính cống, là những nạn nhân của những kẻ diệt chủng. Cho đến giờ này, các vụ phạm tội ác trong khu vực này vẫn còn.”

Tình hình trên thế giới bây giờ phức tạp hơn tình hình cách đây 60 năm, khi cao ủy được thành lập. Chiến tranh giữa quốc gia này với quốc gia kia được thay thế bằng những cuộc nội chiến. Sự thay đổi này được phản ánh bằng những con số.

60 năm trước đây, Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc có 30 nhân viên và ngân sách 300.000 đôla để giúp khoảng 1 triệu người tỵ nạn châu Âu. Bây giờ họ có 7.000 nhân viên và 3 tỉ đôla ngân sách, hoạt động trong 120 quốc gia để giúp đỡ trên 30 triệu người tỵ nạn, những người dời cư nội địa và thành phần không được nước nào chấp nhận định cư.

Khác với lúc đầu thành lập, nhân viên cao ủy ngày nay đối mặt với nhiều hiểm nguy. Phó cao ủy Aleinikoff nói rằng có nhiều nhóm phiến quân không tôn trọng tính cách trung lập và nhân đạo của nhân viên cao ủy, nhiều người đã bị bắt cóc hoặc giết chết trong lúc đang thừa hành công vụ:

“Trong cái ý nghĩa này, chúng tôi ngày càng chú ý nhiều hơn đến vấn đề an ninh của nhân viên. Nhưng quan trọng hơn cả, khó khăn mà chúng tôi gặp phải, là làm thế nào chúng tôi có thể tiếp cận được những người mà chúng tôi muốn giúp, những người mà cao ủy quan tâm. Nếu người ta hạn chế khung cảnh làm việc nhân đạo, công việc của chúng tôi cũng bị hạn chế theo.”

Ngoài ra, Cao Ủy Tỵ nạn còn gặp một vấn đề khác. Nhiều quốc gia bây giờ không công nhận các nguyên tắc về bảo vệ và tỵ nạn trước đây. Ngày càng có thêm những nước công nghiệp hóa đặt ra những rào cản để từ chối người tỵ nạn, làm hỏng cơ hội của nhiều người thực sự cần được quốc tế che chở.

Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc nói rằng hiện tượng này vi phạm mục tiêu cơ bản của cao ủy, được lập ra để bảo vệ quyền của những người muốn thoát khỏi đàn áp và lạm dụng. Tuy nhiên, sự phản đối này ngày càng gặp khó khăn vì có những vấn đề mới nổi lên và vì bây giờ có nhiều người bỏ xứ ra đi vì nhiều lý do khác nhau.