Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là một thỏa ước quốc tế định nghĩa quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng các đại dương trên thế giới và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Các quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 3 về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đạt được thỏa thuận về một hiệp ước vào năm 1982 sau 9 năm thương thảo.
Công ước có hiệu lực vào năm 1994 sau khi hội đủ số đòi hòi tối thiểu các quốc gia phê chuẩn. Tính cho đến tháng 5 năm 2011, có 161 quốc gia và Liên hiệp châu Âu đã phê chuẩn hiệp ước.
Công ước đặt giới hạn của nhiều vùng biển khác nhau, tính từ đường cơ sở bờ biển của các nước. Những vùng này bao gồm vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng biển các quần đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Vùng nội thủy bao gồm tất cả vùng biển và hải lộ trên vùng biển về phía đất liền của đường cơ sở bờ biển một quốc gia. Quốc gia có chủ quyền hoàn toàn về những vùng biển như thế.
Công ước qui định một quốc gia nằm cạnh biển có quyền thiết lập vùng lãnh hải cách đường cơ sở 22 kilômét hay là 12 hải lý. Quốc gia có quyền tự do hành sử chủ quyền trên vùng biển này nhưng phải ban quyền đi lại vô hại qua vùng này cho tàu thuyền của tất cả các nước khác.
Quyền đi lại vô hại được định nghĩa như là việc di chuyển tiếp tục và nhanh chóng của một tàu nước ngoài không làm nguy hại cho “hòa bình, trật tự và an ninh” của quốc gia vùng biển.
Những hoạt động được xem như làm nguy hại bao gồm do thám, tập trận, làm ô nhiễm và đánh cá.
Công ước cho phép các quốc gia vùng biển thiết lập một vùng tiếp giáp lãnh hải qua khỏi vùng lãnh hải để ngăn ngừa tàu bè nước ngoài vi phạm luật của quốc gia đó về hải quan, thuế vụ, ô nhiễm và di trú.
Vùng tiếp cận lãnh hải không thể vượt quá 44 kilômét kể từ đường cơ sở.
Quốc gia bao gồm một quần đảo có thể thiết lập những đường biên giới bằng cách vẽ những đường cơ sở nối liền những mỏm của các đảo xa nhất, miễn là những điểm đó đủ gần với nhau.
Công ước định nghĩa những khu vực được bao trong những đường cơ sở đó là vùng biển của những quần đảo và quốc gia được có chủ quyền hoàn toàn ở những vùng này. Công ước cũng thiết lập quyền đi lại bình thường qua vùng biển đó cho tàu bè của các nước khác.
Vùng đặc quyền kinh tế được định nghĩa như là một khu vực vượt quá vùng lãnh hải của một quốc gia nằm ven biển và có thể nới rộng đến 370 kilômét hay là 200 hải lý kể từ đường cơ sở của quốc gia đó.
Trong vùng đặc quyền này, công ước nói quốc gia bờ biển có quyền khai thác nguồn lợi thiên nhiên trong khi tôn trọng quyền của những quốc gia khác.
Các nước khác có quyền hải hành, bay trên vùng trời và đặt những dây cáp ngầm dưới đáy biển và những đường ống tuân theo những qui định của quốc gia bờ biển.
Thềm lục địa được định nghĩa như là vùng nối dài tự nhiên của vùng đất liền của một quốc gia vùng biển đến ngoài cùng của vùng biên lục địa, hay là một khoảng cách 370 kilômét tính từ đường cơ sở của quốc gia , tùy khoảng cách nào dài nhất.
Thềm lục địa không vượt quá 648 kilômét tức là 350 hải lý kể từ đường cơ sở.
Công ước qui định một quốc gia cạnh biển có quyền thu hoạch khoáng chất và những chất liệu không có sự sống tại đáy biển thềm lục địa.
Không có tàu bè nước ngoài nào được thực hiện những hoạt động như vậy nếu không có sự đồng ý của quốc gia cạnh biển.
Trong những tháng qua, Philippines và Việt Nam phúc trình một số biến cố liên hệ đến tàu của Trung Quốc trong phạm vi đặc quyền kinh tế của hai quốc gia này tại biển Đông.
Trung Quốc nói biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ nay nhưng Philippines, Việt Nam, Brunei, Đài Loan và Malaysia cũng công nhận chủ quyền trên một phần biển và một số đảo nhỏ không người ở và những phần đất nổi trên mặt nước ở vùng này.
Trung Quốc phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc vào năm 1996.
http://www.youtube.com/embed/kZ2aWwlVHkM
http://www.youtube.com/embed/tL9fuVPCWFQ
http://www.youtube.com/embed/W0HjLHp4cN8