Trung Quốc đã đưa một trong các tàu tuần tiễu lớn nhất nước này đến Singapore, lần đầu tiên một tàu tuần của Trung Quốc đi thăm một nước Đông Nam Á giữa lúc căng thẳng gia tăng vì những tranh chấp lãnh thổ trong vùng Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông.
Tin của AP loan đi hôm nay cho biết Tàu Hải Tuần-31 đã khởi hành hôm qua và sẽ lưu lại Singapore 2 tuần lễ.
Từ Bắc Kinh, Thông tín viên Stephanie Ho của Đài VOA tường thuật rằng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết tàu Hải Tuần-31 đã khởi hành từ cảng nhà ở tỉnh Quảng Đông.
Ông Hồng Lỗi cho biết chiếc tàu đang trực chỉ Singapore, trong một chuyến đi thăm thường lệ.
Cuộc hành trình của tàu Hải Tuần-31 đánh dấu lần đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc điều động một tàu tuần tiễu lớn đi thăm một nước khác, mặc dù các quốc gia khác vẫn thực hiện những sứ mạng tương tự như một phương cách để cải thiện các quan hệ với nước liên hệ.
Trên đường đến Singapore, theo dự kiến tàu Hải Tuần-31 sẽ đi qua những vùng biển nơi mà các tàu hải giám tương tự của Trung Quốc đã từng can dự vào những sự kiện mới đây, đã làm tăng căng thẳng với Philippines và Việt Nam.
Cuộc tranh chấp lãnh thổ chủ yếu xoay quanh quần đảo Trường Sa trong Biển Đông, gần các tuyến hải lộ chính, nơi mà người ta tin có chứa nhiều trữ lượng dầu khí khổng lồ.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng chéo với những tuyên bố nhận chủ quyền của nhiều nước khác kể cả Brunei, Malaysia, Philippine, Đài Loan và Việt Nam.
Trong những tuần mới đây, Trung Quốc đã lời qua tiếng lại với Philippines và Việt Nam vì cuộc tranh chấp lãnh hải này.
Trước đây trong tuần, Hà Nội đã tiến hành các cuộc tập trận trên biển, dùng đạn thật.
Khi tường trình về cuộc hành trình của Tàu Hải Tuần-31, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc không nhắc nhở gì tới các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Nhưng họ nhấn mạnh rằng mục đích của chuyến đi này là để chứng minh quyết tâm của Bắc Kinh bênh vực những tuyên bố nhận chủ quyền của mình.
Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, về phần lớn vẫn hối thúc việc mưu tìm một giải pháp đa phương để giải quyết cuộc tranh chấp trong vùng Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại ra dấu hiệu cho thấy nước ông vẫn mong muốn xử lý vấn đề riêng rẽ với từng bên liên hệ.
Ông Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc muốn giải quyết các cuộc tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa thông qua các cuộc thương thuyết trực tiếp, và cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong vùng Biển Nam Trung Hoa. Ông nói lập trường đó sẽ không bao giờ thay đổi.
Các nhà lập pháp tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã lên án Trung Quốc về các hành động gây hấn trong vùng Biển Đông, và đã lên tiếng kêu gọi các bên nên mưu tìm một giải pháp đa phương và hòa bình để giải quyết các cuộc tranh chấp này.
Hãng tin AP loan tin này nói thêm rằng Tàu Hải Tuần-31 có trọng tải 3000 tấn, dài 112 thước, và có trang bị máy bay trực thăng. Đây là một trong hai tàu có kích thước lớn cỡ này của Cục An Toàn Hải Dương Trung Quốc, một trong 5 cơ quan dân sự có nhiệm vụ giám sát các quyền lợi biển của Trung Quốc.
Hãng tin AP dẫn lời giới truyền thông nhà nước Trung Quốc tường trình rằng trong thời gian lưu lại Singapore, hai nước sẽ trao đổi kinh nghiệm về công tác tìm kiếm và cứu hộ, các hoạt động chống hải tặc và cách quản trị bến cảng.
Các tàu tuần tiễu tương tự như chiếc Hải Tuần-31 từng bị tố cáo là đã quấy nhiễu tàu bè qua lại trong vùng biển Đông, kể cả các tàu hải quân Mỹ.
Nhưng bất chấp những lời tố cáo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh, rằng nước này sẽ không dùng vũ lực trong việc xác quyết chủ quyền khu vực trong vòng tranh chấp.
Trang mạng oilprice.com cũng đăng tải một bài bình luận mang tựa đề David and Goliath, tạm dịch là Châu Chấu Đá Voi, khi đề cập tới chuyện Việt Nam tranh giành tài nguyên dầu khí với Trung Quốc trong vùng biển Đông.
Bài viết này nói rằng cuộc tranh chấp ngày càng căng thẳng trong vùng biển này sẽ có những hệ quả lớn, ảnh hưởng tới các công ty quốc tế đang tìm cách khai thác các tài nguyên khí carbon ở ngoài khơi các vùng duyên hải Đông-Á.
Việc khai thác dầu khí ngoài khơi là một hoạt động có kinh phí cao, tổn phí đó và sự hiếm hoi của tài nguyên đã giúp các công ty Tây Phương có công nghệ cao điều đình một cách có lợi cho họ với các nước thuộc thế giới thứ Ba, vốn không có đủ tài nguyên và kỹ năng cao để có thể tài trợ hoặc khai thác tài nguyên biển của mình.
Từ khi Việt Nam xuất khẩu chuyến hàng dầu thô đầu tiên hồi tháng Tư năm 1987, món hàng này đã giúp mang về cho nền kinh tế Việt Nam 17 tỉ đôla.
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ ba ở Châu Á, sau Indonesia và Malaysia.
Nguồn: AP, AFP, Reuters, oilprice.com, VOA