Uganda

Trịnh Hội tại thủ đô Kampala của Uganda

Với dân số được ước tính vào khoảng 32 triệu, thủ đô Kampala của Uganda chỉ chiếm trên dưới 5% tổng số dân số vì theo quyển sách ‘Lonely Planet’ thánh kinh của dân Tây ba lô, vào năm 2009 chỉ có chừng 1.5 triệu người được cho là cư dân của thành phố này.

Hôm tôi được anh tài xế Patrick lái xe vào trung tâm thành phố để mua sắm một ít đồ trước khi lên đường về một vùng quê nơi cơ quan tôi có văn phòng và nhân viên làm việc, lái đi qua hết một vòng rồi mà tôi cứ tưởng là mình vẫn còn đang trên đường tới!

Vì nó nhỏ thật. Nếu ai đã từng có dịp ghé qua một thành phố nhỏ ở Việt Nam như Huế, Nha Trang, Cần Thơ, v.v…thì có lẽ sẽ phỏng đoán được kích thước của thủ đô này.

Phố xá mỗi chiều chỉ một lane duy nhất. Ngoại trừ một số xe của các tòa đại sứ và cơ quan phi chính phủ ngoại quốc, đại đa số xe của người dân địa phương sử dụng đều có thể được xếp vào hạng…cổ.

Hoặc nếu để ý bạn sẽ thấy ở một số ngã tư lúc nào cũng có vài chiếc xe gắn máy đậu sẵn để chờ khách đi xe honda ôm. Giống y như ở Sài Gòn. Có khác chăng là chỉ vừa ra khỏi trung tâm thành phố là bạn sẽ thấy đường nào cũng đầy ổ gà. Mà thật ra phải nói một cách chính xác là đầy ổ…khủng long thì đúng hơn. Vì lỗ nào lỗ ấy nó đều to khủng khiếp. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao đại đa số tài xế ở đây ai cũng thích lái xe loại 4 bánh land cruiser.

Nhiều khi nghĩ lại mới thấy nhìn lên thì thật không bằng ai. Nhưng nếu so sánh quê hương Việt Nam của mình với một số nước Phi Châu như Uganda chẳng hạn thì vẫn còn tốt chán!

(Nhưng chả lẽ đến thời đại này mà mình vẫn còn phải so sánh với một lục địa nghèo khó xác xơ quanh năm suốt tháng chỉ biết đến chiến tranh và bệnh tật?)

Khi nghe tôi nói đến điều này anh bạn người Ý làm việc chung với tôi, Marco, đã cười và bảo rằng vậy là đã thay đổi nhiều lắm rồi đấy. Chứ cách đây 10 năm một cái building 10 tầng cũng không xây nổi nói gì đến các dịch vụ điện thoại cầm tay tràn lan như bây giờ hoặc vào siêu thị muốn mua cái gì cũng có.

Mà đúng thế thật. Cách đây một thập niên, đất nước và người dân Uganda chỉ vừa mới chập chững bước ra khỏi nội chiến và loạn lạc. Nơi việc những người dân thường bị giết bằng mã tấu là chuyện thường tình ở huyện. Nơi trẻ em ở các làng bị bắt cóc để làm lính tham gia chiến tranh từ lúc 9, 10 tuổi mà chúng ta thường nghe các báo chí phương Tây gọi là ‘child soldier’ vẫn còn thỉnh thoảng tái diễn ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Đây cũng là nơi mà cách đây không lâu có những đội quân thổ phỉ tàn bạo đến độ họ có thể cắt tai, cắt lưỡi và cắt cả môi những ai chống họ hoặc không theo họ. Cho đến bây giờ được biết vẫn còn một số tàn quân trốn sang quốc gia Congo bên cạnh để tiếp tục gây nhiễu.

Cũng vì sự tàn bạo này mà cách đây một thập niên đã có hàng trăm ngàn người dân phải dắt díu nhau bỏ chạy sang các khu vực an toàn của chính phủ để xin làm người tỵ nạn ngay trên đất nước của họ.

Và cũng vì lý do đó mà cơ quan tôi đã có mặt ở nơi này. Mãi cho đến bây giờ để tiếp tục giúp đỡ những người dân thường trong cuộc sống mới. Hoặc khi họ quyết định trở lại làng quê của họ gầy dựng lại từ đầu. Từ việc cày cấy, xây nhà cho đến tìm được một công việc vững chắc.

Nhưng đầu tiên và quan trọng nhất là họ cần có một nguồn nước sạch để sử dụng và sinh hoạt hằng ngày.

Và đấy cũng là một trong những trọng trách mà tôi được giao phó trong chuyến viễn du này.