Đường dẫn truy cập

Hạnh Phúc (1)


Trên thế giới vẫn còn biết bao người không có đến nước giếng để uống
Trên thế giới vẫn còn biết bao người không có đến nước giếng để uống

Một số bạn đọc của Đài VOA lẫn bạn bè của tôi trong thời gian vừa qua có hỏi tôi rằng lần này tôi sang Phi Châu để làm gì và nếu có thể, tôi cho các bạn biết thêm chi tiết được không.

Dĩ nhiên câu trả lời của tôi là được thôi. Chuyện nhỏ mà. Nhưng ngay sau đó tôi lại nghĩ làm sao tôi có thể chuyển tải tất cả những gì mà tôi đang suy nghĩ, cảm nhận, và thậm chí đôi lúc chính mình cũng cảm thấy quá bất nhẫn trước bao cảnh trái ngang xảy ra ngay trước mắt.

Tôi thường tự cho mình là người từng trải, đã nghe rất nhiều, thấy rất nhiều những khổ đau, mất mát của những người Việt tỵ nạn ở Hồng Kông, Thái Lan, Philippines. Hay ở ngay tại Việt Nam. Vợ mất chồng vừa tự tử để lại 2 đứa con rơi. Mẹ xa con không biết bao giờ mới gặp lại. Có những thanh niên trạc tuổi tôi mãi cho đến bây giờ sau hơn 20 năm xa quê hương vẫn còn đang sống vất vưởng đây đó ở Bangkok, Phnom Penh… chưa tìm được một nơi trú ngụ.

Cuộc sống rõ là không công bằng. Vì không phải ai sinh ra cũng may mắn như bạn và tôi.

Biết thế nhưng tôi vẫn bị ‘shocked’ khi trong tuần vừa qua lần đầu tiên trong đời tôi thấy được cảnh sinh hoạt lấy nước hằng ngày để xử dụng của những người dân tỵ nạn Phi Châu vừa trở về làng cũ.

Nếu như ngày xưa cách đây trên 30 năm mỗi ngày tôi phải gánh nước cho cả nhà xài từ những cái giếng gần nhà - tôi vẫn còn nhớ là nước nhìn khá trong, sạch sẽ - thì bây giờ 30 năm sau, trên thế giới vẫn còn biết bao người không có đến nước giếng để uống.

Như những người dân làng Uganda đang đứng trước mặt tôi. Các em nhỏ đang lấy nước từ một ao tù nhỏ hẹp. Nước đục ngầu. Đây đó là lá cây mục nát pha lẫn với bùn đất. Gần cạnh bên là một đống phân bò đã khô quánh lại tự bao giờ.

Đấy. Đấy là nguồn nước duy nhất mà cả làng trên 400 người hiện đang xử dụng, Labeja người trưởng nhóm đào giếng của cơ quan tôi vừa nói vừa đưa tay chỉ cho tôi biết.

Thế thì cái giếng gần nhất mà họ có thể đến để lấy nước là ở đâu? Tôi hỏi tiếp.

Thưa đó là cái giếng mà mình vừa mới đào cho một làng khác cách đây khoảng 5 cây số. Labeja trả lời.

Vậy mà tôi cứ tưởng hồi nhỏ sang cái giếng bên nhà hàng xóm để lấy nước đã là quá xa. Thế mới thấy trong đời không có cái chi là nhất định cả. Như câu nói tiếng Anh mà tôi thường nghe: everything is relative.(Còn tiếp)

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG