Từ thủ đô Kampala nếu bạn lái xe khoảng một tiếng đồng hồ về phía nam bạn sẽ gặp ngay đường Xích Đạo nơi phân chia bán cầu ra hai miền Nam Bắc. Nếu bạn lái về phía đông khoảng một tiếng bạn sẽ đến huyện Jinja nơi thượng nguồn sông Nile dài nhất thế giới nằm ngay bên cạnh bờ hồ Victoria lớn nhất Châu Phi. Và nếu bạn lái về phía bắc khoảng 5 tiếng đồng hồ bạn sẽ đến huyện Lira. Một nơi có thể nói chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ người…bản xứ và nếu như văn phòng của cơ quan tôi không đặt ở đây thì chắc tới chết tôi cũng chẳng bao giờ đặt chân đến làm gì.
Thế vậy mà chỉ cần vài tuần là tôi cũng cảm thấy thích nó đôi chút. Có lẽ vì nó làm cho tôi nhớ lại những ngày tháng cũ khi tôi còn ở Việt Nam hay những năm tháng đầu khi tôi một thân một mình sang Philippines lập văn phòng với hai bàn tay trắng. Nước nóng khi có khi không (và đôi khi hoàn toàn không có!). Điện lúc thích thì có, còn không thì thôi chẳng ai làm được gì nhau.
Cứ mỗi sáng trên đường đến văn phòng hay khi hoàng hôn vừa buông xuống tôi lại thấy từng đoàn người chầm chậm đạp xe trở về nhà. Hay tay bồng tay bế cùng dắt díu nhau đi trên con đường làng đất đỏ y hệt ngày nào chị em tôi đạp xe từ thị trấn Dương Đông để về nhà ở tận Suối Đá. Mặc dù lúc ấy chúng tôi chỉ khoảng độ chừng 8, 9 tuổi.
Thế mới thấy con nít Việt Nam vì hoàn cảnh đã phải lớn trước tuổi rất nhiều. Cũng như những đứa trẻ ở đây. Chưa đến 9 tuổi tôi đã biết tù tội là gì vì bị bắt ngay tại bãi sau của đảo Phú Quốc trong khi chờ tàu vượt biển. Và mười tuổi tôi đã biết đi bán hạt dưa, thuốc lá vào mỗi tối để phụ giúp cho gia đình vì đồng lương cô giáo của mẹ tôi lúc ấy không thể nào nuôi nổi bốn miệng ăn của chị em tôi.
Còn nhớ lúc ấy tôi bán rất giỏi và luôn được mẹ thưởng cho vài đồng để mua cháo cá ăn sau khi bán xong vì tôi có biệt tài là tuy rao hàng rất dở nhưng lại được cái là…rất dai. Ai xúi quẩy gặp tôi là phải mua cho bằng được thì tôi mới chịu đi chỗ khác. Còn không thì tôi sẽ cứ đứng đấy và các anh, các chị đang ngồi tâm sự trên bãi biển gần Dinh Cậu ở Dương Đông đố mà làm ăn được gì!
Có lẽ cũng vì vậy mà sau này khi tôi có dịp sang những nơi nghèo khó làm việc như ở Hà Nội vào thập niên 90, ở Manila cách đây trên 10 năm về trước và ngay hiện tại ở Lira, tôi lại cảm thấy rất gần gũi với những người dân nghèo bản xứ. Vì tôi thấy dường như trong cuộc sống của họ có một phần nào đó liên quan đến cuộc sống và con đường mà tôi đã từng bước qua. Và nếu như tôi không gặp được cơ may đổi đời sang Úc vào năm tôi 14 tuổi thì tôi cũng sẽ là họ.
Cũng thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sự hiểu biết như họ.
Tôi thấy trên đời chúng ta thường chú trọng vào năng khiếu, vào sự thông minh, về cái hay, cái học cao của những người tài giỏi. Nhưng ít có ai để ý đến chữ cơ hội (opportunity). Đối với tôi chữ này mới là điều kiện đầu tiên và kiên quyết thay đổi vận mạng của cả một đời người.
Bởi nếu không được cho cơ hội hay gặp cơ hội thì cho dù bạn có thông minh xuất chúng hay tài giỏi chừng nào thì bạn cũng sẽ trở thành những người dân nghèo cùng đinh nếu lỡ sinh ra trong một làng nghèo loạn lạc như ở Rwanda, ở Darfur hay ngay tại chính làng Lira này.
Đành rằng không phải ai cũng sẽ đạt được thành công nếu như họ không biết hay không muốn nắm bắt lấy cơ hội. Nhưng nếu không được cho cơ hội thì đố ai nắm bắt lấy được thành công.
Thời gian tôi còn làm việc ở Philippines tôi đã thường nghĩ đến điều này. Và sau ba tuần làm việc ở Phi Châu tôi lại càng tin tưởng ở nó hơn bao giờ hết.