Dư luận đã lắng xuống sau khi Thanh tra tỉnh Đắk Nông đề nghị chính quyền tỉnh này kiểm điểm một số cá nhân liên quan đến… Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 (1).
Ban đầu, công trình này được đặt tên là Tượng đài N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên (2), lễ khởi công diễn ra vào giữa năm 2012, chi phí dự trù từ 50 tỉ đến 60 tỉ và dự định sẽ khánh thành vào năm 2014...
Đến năm 2014 – thời điểm lẽ ra phải hoàn thành, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư, đổi tên công trình thành Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936.
Việc đổi tên cho phép kéo dài thời hạn hoàn thành vì chia thành hai giai đoạn. Thời điểm hoàn thành giai đoạn một là… 2018, chi phí đầu tư cho riêng giai đoạn một đã lên đến… 67 tỉ đồng! Nếu cộng thêm cả chi phí đầu tư cho giai đoạn hai thì tổng chi phí là… 170 tỉ!
Đến nay, cho dù Đắk Nông đã chi đủ 67 tỉ, Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 chỉ mới xong phần móng nhưng không dùng được vì chất lượng kỹ thuật không đạt, không bảo đảm an toàn! Ai cũng biết, kiểm điểm sẽ không giúp hoàn tất Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 nhưng chẳng lẽ không làm gì khi giới hữu trách phải chính thức xác nhận công trình có đủ thứ sai phạm từ tổ chức đấu thầu, chọn thầu, giám sát thi công?..
***
Nhìn một cách tổng quát, Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 nói riêng và đủ loại tượng đài đã cũng như đang mọc lên trên khắp Việt Nam là những nỗ lực chính trị của hệ thống công quyền.
Tuy nhiên đó là những nỗ lực phản cảm, càng cố, càng khiến công chúng nổi giận vì sự phung phí thái quá, bất chấp thực trạng kinh tế, xã hội, nhân tâm, dân ý. Tượng đài vốn để nhắc nhớ, đôi khi như một cách bày tỏ sự tri ân nhưng nhiều năm qua, nhìn vào các tượng đài hoặc những dự tính xây dựng tượng đài, người Việt chỉ thấy sự trịch thượng của hệ thống công quyền và gian ý của các viên chức hữu trách.
Thanh Hóa là ví dụ gần nhất. Cách nay hai tháng, công chúng sửng sốt khi được chiêm ngưỡng tượng đài ở xã Yên Trường, huyện Thọ Xuân: Búa và liềm chễm chệ trên đầu chim Lạc và trống đồng – vốn vẫn được xem như biểu tượng cho văn hóa, văn minh của người Việt – và găm cứng hai biểu tượng này xuống đất. Tượng đài vừa kể được dựng nhằm đánh dấu Yên Trường là… nơi làm việc đầu tiên của… Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Thanh Hóa không chỉ biến nơi làm việc đầu tiên của Tỉnh ủy tỉnh này thành… di tích lịch sử và chi ra 30 tỉ, vừa để đập bỏ trụ sở xã Yên Trường, vừa để xây dựng tượng đài, Thanh Hóa còn quyết định chi 35 tỉ khác để… tôn tạo nơi diễn ra… hội nghị thành lập đảng bộ đầu tiên của tỉnh này. Do 35 tỉ chưa đủ, hệ thống công quyền ở Thanh Hóa đang xem xét đề nghị duyệt chi thêm… 15 tỉ nữa (3)!
Cứ so thực trạng kinh tế - xã hội ở Thanh Hóa với việc rót tiền “tôn tạo” hết di tích lịch sử - cách mạng này tới những tượng đài khác, ắt sẽ thấy diện mạo của tinh thần cộng sản. Thanh Hóa chỉ là một ví dụ.
***
Cuối năm 2018, hệ thống công quyền Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến công Mẹ Nhu và Bảy Dũng sĩ Thanh Khê trong trận tuyến chống Mỹ ngày 26/12/1968. Hôm ấy, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, khẳng định: Đảng bộ và nhân dân luôn ghi nhớ, tri ân sâu sắc những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng đã đóng góp công sức, trí tuệ, tình cảm và máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương (4)...
Dân Đà Nẵng ít ai không biết Mẹ Nhu – tên thật là Lê Thị Dãnh – vì hệ thống công quyền đã chi tiền dựng một bức tượng (cao 12 mét, ghép bằng 7.000 vỏ bom, đạn) tri ân bà từ 1984 ở trung tâm Đà Nẵng.
22 năm sau khi Mẹ Nhu đã đứng sừng sững giữa lòng Đà Nẵng vừa như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa như một bằng chứng về sự tri ân mà những người cộng sản dành cho những cá nhân, gia đình đã đóng góp máu, xương giúp họ trở thành đảng cầm quyền… cơn bão đầu tiên trong năm 2006 ở khu vực Tây Thái Bình Dương (được các cơ quan khí tượng đặt tên là Chanchu - Trân Châu) quét qua Philippines, Đài Loan rồi Trung Quốc.
Tuy Chanchu không đổ vào Việt Nam song cơn bão mà cơ quan khí tượng ở Việt Nam gọi là bão số 1 năm 2006 vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng cho 18 tàu đánh cá và 322 ngư dân ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...
Trong số những ngư dân tử nạn vì bão Chanchu năm ấy có ông Nguyễn Văn Độ, ngụ tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Dẫu đã xấp xỉ 70 nhưng ông Độ vẫn phải xin theo các tàu đánh cá để nấu cơm, phơi mực, kiếm tiền trả khoản nợ khoảng… một triệu đồng. Ông Độ là chồng của bà Phạm Thị Thí, bà Thí chính là… con gái Mẹ Nhu – người vẫn luôn trên môi miệng của nhiều đồng chí mỗi khi thấy cần nhắc nhở đồng bào noi theo Mẹ Nhu bảo vệ đảng, hi sinh cho đảng (5).
Chú thích
(2) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/dung-tuong-dai-n-trang-long-va-cac-dan-toc-tay-nguyen-393510/
(4) https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=33754&_c=3,9,33
(5) https://thanhnien.vn/thoi-su/tang-thuong-bao-chanchu-nhung-manh-doi-goa-bua-217768.html