Tư lệnh Không quân Hoàng gia Australia Leo Davies hôm 15/3 nói với các phóng viên tại Canberra rằng Australia cần nhìn nhận việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự là một “diễn tiến tự nhiên” vào lúc liên minh chiến lược giữa hai nước đương đầu với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và một số nước khác.
Ông Davies cho biết phi cơ Mỹ thường xuyên bay tới, thực hiện các cuộc diễn tập và các phi vụ thường lệ với Australia.
Australia - hiện tổ chức diễn tập với Thủy quân Lục chiến và quân đội Mỹ ở các vùng phía bắc xa xôi - được xem là một đối tác trong chiến lược tái cân bằng kinh tế và chính trị sang châu Á của Tổng thống Barack Obama. Tháng trước, Thủ tướng Australia đã nhắc lại lời kêu gọi của Mỹ rằng Trung Quốc cần kiềm chế trong việc quân sự hóa các thực thể nước này đã tôn tạo ở Biển Đông.
Liên minh hai nước được tăng cường vào lúc Australia gia tăng ngân sách quốc phòng từ mức 24,3 tỷ đôla Mỹ của tài khóa 2016-2017 lên hơn 44 tỷ đôla Mỹ trong tài khóa 2025-2026. Tháng trước, chỉ huy của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris phát biểu với một ủy ban Thượng viện rằng ông dựa rất nhiều vào năng lực quân sự tiên tiến của Australia, trong khi đó, Tướng Lori Robinson, tư lệnh Không lực Thái Bình Dương của Mỹ nói hồi tuần trước Mỹ đang bàn bạc với Australia về triển khai luân phiên các oanh tạc cơ B-1 ở cảng Darwin ở phía bắc.
Tư lệnh Không quân Australian Davies cho hay Australia đã thảo luận với các nước khu vực, bao gồm Việt Nam, Singapore và Philippines để bảo đảm duy trì các cuộc thao dượt vì tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông nói việc quân sự hóa trong khu vực đã tăng tốc đến mức các hoạt động khác khó theo kịp.
Về việc khẳng định tự do hàng hải và hàng không, ông Davies bình luận: “Với quan điểm của một phi công, tôi sẽ tuân thủ các quy định hàng không, chúng tôi sẽ bay ở vùng trời mà chúng tôi có quyền bay, chúng tôi sẽ xin phép ngoại giao ở những nơi cần đi vào, và chúng tôi sẽ tiến hành các hoạt động như chúng tôi đã làm trong hơn 30 năm qua ở Biển Đông”.
Mỹ đã bắt đầu thực hiện các hoạt động vì tự do hàng hải từ tháng 10/2015 như là một cách thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hơn 80% Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển quốc tế nhộn nhịp thuộc hàng bậc nhất thế giới.
Hồi tháng trước, Trung Quốc triển khai hỏa tiễn địa đối không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ông Davies nói “các cuộc tuần tra của chúng tôi không có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn thực hiện các cuộc tuần tra đi qua bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông”.
Theo Bloomberg, The Japan Times.
Your browser doesn’t support HTML5