Người Mỹ có cái mốt này ngộ ngộ, là mỗi ngày tự lập lại một số câu tự khẳng định mình. Nó là những câu từ đơn giản “tôi không sợ ma” hay “tôi sẽ giải được các bài toán khó” tới những câu nặng tính triết lý như “hôm nay tôi sẽ không để chuyện tiêu cực ảnh hưởng đến tôi.” Tiếng Anh gọi là daily affirmation, và cách sử dụng thường là đọc thành tiếng, không chỉ đọc thầm trong đầu, và lập lại mỗi ngày.
Và họ tin rằng, nếu cứ lập lại mỗi ngày như vậy, lời nói đó sẽ ám vào mình và mình thật sự sẽ không sợ ma, sẽ giải được các bài toán khó, và sẽ không để chuyện tiêu cực ảnh hưởng đến tôi. Một kiểu tự kỷ ám thị.
Số người tin vào chuyện này khá là nhiều. Năm 2019,
video một em bé 3 tuổi vừa đi bộ đến trường vừa đọc affirmation “I am smart, I am blessed, I can do anything” trở thành viral.
Không chỉ cho trẻ con thôi. Tạp chí Inc., dành cho giới thương gia nhỏ và vừa, cũng có bài khuyến khích daily affirmation 9 điều, trong đó có những điều như số 2. “I am ever grateful” (tôi luôn nhớ biết ơn), số 3. “I am accountable.” (tôi biết chịu trách nhiệm), số 9. “I help people” (tôi giúp đỡ người khác).
Tạp chí Psychology Today, một tạp chí tâm lý học phổ thông, cũng có bài hướng dẫn viết daily affirmation thế nào cho hiệu nghiệm. Trong 5 lời khuyên, điều 1 là phải “viết ra những điều tiêu cực về mình.”
Cá nhân tôi cũng sử dụng daily affirmation trong lớp. Tôi cho sinh viên đọc 10 điều daily affirmation mỗi ngày, gọi là “Math Affirmation,” một danh sách tôi chép từ bài của GS Geillan Aly, University of Hartford, đăng trên MathAMATYC Education.
Điều 1 chẳng hạn, là “I am capable of learning and doing math,” tôi đủ sức học và làm toán, điều 2 là “Knowing math will positively affect my destiny,” biết làm toán sẽ ảnh hưởng tích cực đến tương lai của tôi, điều 6 “I may not know how to do something today, but I WILL tomorrow.” có thể hôm nay tôi không biết làm cái gì đó, nhưng ngày mai tôi sẽ biết. cho tới điều 10, “I have a right to be selfish about my needs as a student,” tôi có quyền ích kỷ với nhu cầu đi học của tôi.
Vậy có hiệu nghiệm không? Có “work” không? Tùy định nghĩa thế nào được cho là “work” với “không work.”
Lần đầu tiên tôi dùng 10 câu Math Affirmation này là trong một lớp mà hầu hết sinh viên là quân nhân hiện dịch. Tôi nói họ làm thử trong 7 ngày rồi cho tôi biết có nhằm nhò gì không.
Khoảng 10 người trả lời sau đó. Tất cả đều nói là lập lại Math Affirmation mỗi ngày giúp họ tự tin hơn và bớt sợ Toán. Kết quả những học kỳ sau này cũng tương tự vậy. Ở mặt đó, mấy câu Math Affirmation này có hiệu nghiệm.
Điều này giống với nhiều nghiên cứu trong ngành tâm lý và sư phạm, cho thấy “affirmation” có work ở trình độ tâm lý. Affirmation có làm tâm lý thay đổi, nhất là những tư duy hoang mang về bản sắc hay tự ti về một khiếm khuyết nào đó. Có những em vì bị chê mập mà mất cả tự tin vào việc học, daily affirmation có giúp các em bỏ qua mặc cảm đó và tự tin và việc học hành hơn. Cái đó có.
Nhưng tự tin và ảnh hưởng tâm lý, mới chỉ là một. Còn từ đó có làm toán khá hơn không? Nếu định nghĩa “work” là phải làm được toán, điểm phải cao hơn, thì có “work” không?
Tôi chưa tìm ra nghiên cứu nào thử câu hỏi này, nhưng có một số nghiên cứu cho thấy affirmation có khi hiệu nghiệm có khi không, tuỳ theo affirmation đó nói gì. Một nghiên cứu của các nhà tâm lý đại học University of Illinois và University of Southern Mississippi, công bố năm 2010 trên tạp chí Psychological Science, cho thấy affirmation, nếu đặt theo dạng câu hỏi, có ảnh hưởng tới thành tích. Họ cho bốn nhóm giải một số câu đố “anagram” - tức là cho một từ, sắp xếp các chữ cái trong đó lại để ghép thành một từ khác. Thí dụ “when” thành “hewn,” “cause” thành “sauce,” hay “itch” thành “chit.”
Nhưng trước đó, các nhà nghiên cứu giả vờ nghiên cứu cách viết chữ, nên một nhóm được yêu cầu viết “I will” (tôi sẽ) 20 lần, một nhóm viết “Will I” (tôi có sẽ?) 20 lần, nhóm thứ ba viết “I” 20 lần, và nhóm thứ tư viết “Will” 20 lần.
Kết quả là nhóm viết “Will I” giải được nhiều anagram hơn ba nhóm kia, trong khi ba nhóm còn lại thì thành tích không khác gì nhau. Các tác giả còn làm thêm vài thí nghiệm nữa để tìm hiểu sâu thêm và họ kết luận là những câu affirmation kiểu câu hỏi có ảnh hưởng tới ý định của người ta, và từ ảnh hưởng về ý định thì có thể có ảnh hưởng tới kết quả. Điều này cũng hơi giống nhưng trong tâm lý trị liệu các nhà tâm lý cho bệnh nhân tự đặt câu hỏi về chính mình để đào sâu vào tâm lý và “mở” những cánh cửa bị đóng.
Một công trình khác, trên Psychology of Sports and Exercise năm 2011, cho thấy kết quả tương tự. Các nghiên cứu đại học Thessaly, Hy Lạp, chia các em học sinh tiểu học ra làm nhiều nhóm. Một nửa tập ném banh vào hai hình vuông trên tường, một bài tập để chuyền banh bóng rổ. Một nửa tập hít đất. Sau khi khởi động và chỉ dẫn, có nhóm được cho làm ngay. Có nhóm được dạy lập lại các câu mà tác giả gọi là “instructional,” có tính hướng dẫn. Thí dụ như “fingers, target” (ngón tay, mục tiêu) khi chuyền banh, hay “bend and stretch” (cong tay lại, thẳng tay ra) khi hít đất. Có nhóm được dạy lập lại các câu có tính động viên (motivational) như “I can” (tôi làm được) hay “do your best” (hãy cố gắng hết mình).
Kết quả, nhóm không lập lại gì cả làm được ít nhất, nhóm lập lại những câu hướng dẫn làm khá hơn và ngang với nhóm lập lại các câu động viên về động tác chuyền banh, nhưng riêng nhóm lập lại các câu động viên thì hít đất được nhiều hơn hẳn. Các tác giả cho rằng các câu tự động viên có hiệu nghiệm hơn trong hít đất vì chỉ dùng sức không dùng kỹ năng.
Vậy tôi rút ra những kết luận nào cho lớp Toán? Tôi cho rằng Toán cần kỹ năng nên các câu affirmation thuần túy động viên nếu có ảnh hưởng chỉ có ảnh hưởng tâm lý. Nhưng có những câu có tính kỹ năng. Như câu 10 “tôi có quyền ích kỷ với nhu cầu đi học của tôi” là một câu có tính cách hướng dẫn, kỹ năng, nhắc sinh viên phải biết đặt ưu tiên cao, có thể cao nhất, cho việc học.
Vì vậy tôi vẫn cho đọc Math Affirmation mỗi học kỳ. Thí dụ như nếu chỉ có ảnh hưởng tâm lý thôi, cũng là rất tốt. Sao tôi nói vậy? Vì sự thật là sau khi học một đống Toán vô đầu thì tôi nghiệm ra được là Toán ở trình độ cử nhân trở xuống thì ai học cũng được, nếu chịu khó dành thì giờ cho nó. Những em gọi là “kém toán” chỉ có nghĩa là các em chưa dành đủ thời gian cho nó mà thôi. Giữa hai em, có thể có sự khác biệt. Có em chỉ cần 2 tiếng và có em cần 12 tiếng, nhưng nếu đủ giờ thì em nào cũng học Toán được.
Cho nên nếu affirmation chỉ có tự kỷ ám thị tới mức tâm lý thôi, điều đó cũng đủ cho các em chịu khó bỏ thêm giờ vào học bài, làm bài, thay vì bỏ cuộc sau 30 phút. Cái đó tự nó cũng dẫn tới điểm cao hơn. Những câu Math Affirmation nếu không trực tiếp làm các em điểm cao hơn thì cũng đạt được mục tiêu đó một cách gián tiếp.
Còn 10 câu Math Affirmation đầy đủ là gì? Xin trích lại dưới đây, của Geillan Aly, University of Hartford, Hillyer College, MathAMATYC Education, Feb. 2018, v.9 no.2.
1. I am capable of learning and doing math. / Tôi đủ sức học và làm toán.
2. Knowing math will positively affect my destiny. / Biết làm toán sẽ ảnh hưởng tích cực đến tương lai của tôi
3. Math is everywhere in the world. / Toán có mặt khắp nơi trên đời sống.
4. Hard work is often mistaken for luck or natural ability. / (Kết quả của) sự siêng năng nhiều khi bị hiểu nhầm là may mắn hay năng khiếu
5. If I play the victim, I will give up my power to change the world. / Nếu tôi tự cho là nạn nhân, tôi sẽ bỏ mất khả năng thay đổi cả thế giới.
6. I may not know how to do something today, but I WILL tomorrow. / Có thể hôm nay tôi không biết làm cái gì đó, nhưng ngày mai tôi sẽ biết.
7. I will be patient with myself and others when learning math. / Tôi sẽ kiên nhẫn với chính mình và với người khác khi học Toán.
8. Success comes from not being afraid to ask questions. / Sự thành công sẽ đến khi không ngại đặt câu hỏi.
9. Asking for help isn’t embarrassing, not asking for help is. / Nhờ giúp đỡ không có gì phải mắc cỡ, không nhờ mới mắc cỡ.
10. I have a right to be selfish about my needs as a student. / tôi có quyền ích kỷ với nhu cầu đi học của tôi