Các điểm chính của thỏa thuận hạt nhân Iran
Các điểm chính của thỏa thuận hạt nhân Iran
- Iran sẽ giảm 98 phần trăm kho dự trữ uranium tinh chế ở mức thấp xuống còn 300 kg trong vòng 15 năm.
- Iran sẽ giảm 2 phần ba số máy ly tâm hoạt động để tinh chế uranium tại trung tâm chế biến chính.
- Iran bị ngăn không được thiết kế các đầu đạn hạt nhân hay tiến hành thử nghiệm kỹ thuật có liên quan đến vũ khí hạt nhân.
- Cấm vận vũ khí Iran sẽ được nới lỏng, chừng nào IAEA xét thấy chương trình hạt nhân của Iran có tính hòa bình.
- Các biện pháp chế tài quốc tế đối với Iran sẽ được gỡ bỏ, giúp Iran xuất khẩu dầu.
- Nếu nhận thấy Iran không tôn trọng thỏa thuận, một hội đồng quốc tế có thể biểu quyết phục hồi chế tài.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hối thúc dân chúng ủng hộ thoả thuận hạt nhân Iran mà ông nói là cách tốt nhất để ngăn không cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong bài diễn văn dài một giờ đông hồ tại American University hôm thứ tư, ông Obama nói rằng việc tiếp tục cô lập Iran sẽ làm cho Tehran chế tạo bom hạt nhân một cách nhanh chóng và làm bùng ra một cuộc chiến tranh khác nữa ở Trung Đông. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, một số nhà lập pháp vẫn có thái độ hoài nghi và một cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề này sẽ diễn ra trước cuộc biểu quyết ở quốc hội.
Tổng thống Obama nói rằng việc nới lỏng chế tài Iran để đổi lấy sự kiểm soát của quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Tehran làm cho nước Mỹ được an toàn hơn, bởi vì những biện pháp kiểm tra nghiêm nhặt sẽ làm cho Tehran hầu như hoàn toàn không thể lén lút chế bom hạt nhân.
"Trong nhiều thập niên, các thanh sát viên sẽ có quyền truy cập toàn bộ dây chuyền cung ứng hạt nhân của Iran -- từ mỏ uranium và nhà máy sản xuất uranium, nơi họ lấy nguyên vật liệu; cho tới những cơ sở sản xuất máy ly tâm, nơi họ chế tạo những loại máy móc để tinh luyện uranium."
Ông Obama nói rằng việc nới lỏng chế tài sẽ không làm cho Iran trở thành bá chủ của khu vực Trung Đông.
"Khả năng vũ khí qui ước của họ không bao giờ có thể sánh với Israel, và cam kết của chúng ta đối với ưu thế quân sự của Israel về mặt chất lượng sẽ góp phần bảo đảm cho việc này."
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng nếu không có thoả thuận này, Iran có thể chế tạo một quả bom hạt nhân một cách nhanh chóng, làm bùng ra một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông.
"Có ai thật sự không tin là những người đang lên tiếng chống đối thoả thuận này sẽ đòi bất kỳ người nào làm tổng thống khi đó phải dội bom những cơ sở hạt nhân của Iran?"
Một số nhà lập pháp Mỹ tiếp tục có thái độ hoài nghi đối với bất kỳ thoả thuận nào với Iran.
Thượng nghị sĩ John Thune, thuộc phe Cộng hoà, đại diện tiểu bang South Dakota, phát biểu như sau.
"Chúng ta có thể đặt sự tin tưởng vào những nhà lãnh đạo Iran, những người tiếp tục hô hào “đả đảo nước Mỹ”, hay không? Và sẽ có những hậu quả như thế nào nếu thoả thuận này không ngăn được Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân?"
Theo ông Robert Hunter, cựu Đại sứ Mỹ tại liên minh NATO, Tổng thống Obama đã giải toả những mối lo ngại này và những mối quan tâm khác trong bài diễn văn hôm thứ tư.
"Nó cũng làm rõ mối quan hệ mà Tổng thống Obama tin là quan trọng với các nước trong khu vực, trong vùng Vịnh Ba Tư, cũng như với Israel, và ông ấy cũng kêu gọi quốc hội Mỹ nhận lãnh những trách nhiệm để thăng tiến an ninh quốc gia."
Ông Hunter cho rằng quốc hội Mỹ rốt cuộc sẽ chấp thuận hiệp định này và Iran sẽ tuân thủ vì làm như vậy là phù hợp với lợi ích của họ.