Nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử năm 2020 cũng là lúc sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ, trong đó có cộng đồng gốc Việt, phơi bày rõ rệt. Sự phân hóa có lúc bị đẩy đến mức “nước lửa khó dung,” nhiều người Việt không chấp nhận những người Việt khác có quan điểm khác mình.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi mô hình dân chủ đa đảng ở Mỹ nếu được áp dụng vào Việt Nam liệu có gây ra hỗn loạn hay không và liệu người Việt có sẵn sàng cho chế độ đa đảng hay chưa khi mà sự bất đồng ý kiến không được chấp nhận rộng rãi ngay cả trong cộng đồng người Việt ở Mỹ vốn lâu nay vẫn đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Chúng tôi tìm đến một nhà hoạt động dân chủ từng bị tù trong nước vì đấu tranh chống chính quyền, sau lưu vong sang Mỹ, trở thành công dân có quyền bầu cử và những ngày này đang sống trong không khí sôi động của cuộc bầu cử 2020 để tìm hiểu về những trải nghiệm và suy nghĩ của ông.
‘Cảm giác khoan khoái’
Tiếp chúng tôi tại căn hộ nhỏ của ông ở thành phố Garden Grove, vùng Little Saigon, bang California, ông Vũ Hoàng Hải, cựu tù nhân chính trị từng bị ở tù hai năm vì ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự, không giấu được sự hào hứng khi được trực tiếp hòa mình vào đời sống chính trị gay cấn của Mỹ những ngày gần đến bầu cử.
Ông Hải hiện là một đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và là đại diện của khối 8406 vốn tập hợp những nhà bất đồng chính kiến thách thức chính quyền Hà Nội. Ông sang Mỹ vào năm 2010 và đến năm 2015 thì được nhập tịch Mỹ.
“Qua Mỹ được mấy ngày thì tôi hoạt động chính trị liền. Tất cả các cuộc biểu tình (phản đối chính quyền Hà Nội) tôi đều tham gia, lên tới Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco,” ông nói.
Sau khi được nhập tịch, ông tham gia ngay vào đời sống chính trị Mỹ, ông Hải cho biết, và đến nay ông đã đi bỏ phiếu trong hai cuộc bầu cử 2016 và bầu cử giữa kỳ 2018.
Phải đến năm 51 tuổi, tức vào năm 2016, ông Hải mới ‘lần đầu tiên cầm lá phiếu đi bầu’. Trước đó ở Việt Nam, ông tẩy chay các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, ông nói. Năm 2016, ông bầu cho ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
“Rất khoan khoái,” ông Hải mô tả cảm giác khi đó. “Trước khi bỏ phiếu, tôi ngồi lại với anh em hỏi quan điểm tại sao bầu người này, không bầu người kia,” ông kể.
“Tham gia vào đời sống chính trị Mỹ giống như một trận đá banh – cá độ lớn chứ không phải cá độ nhỏ,” ông ví von và kể lại đêm bầu cử năm 2016 khi ông cùng bè bạn tập trung tại một nhà hàng và ai cũng dán mắt vào màn hình xem cập nhật kết quả bầu cử.
“Tôi theo dõi từ chiều đến tối. Mình thấy xanh lên (ứng viên Đảng Dân chủ) rồi đỏ lên (ứng viên Đảng Cộng hòa). Cuối cùng ông Donald Trump thắng, mình nhảy lên vui mừng,” ông nói.
Một phần lý do ông vui mừng là vì hầu hết các bạn đồng môn ở trường California State University của ông đều ủng hộ cho ứng cử viên Hillary Clinton. “Chỉ có mình tôi là ủng hộ cho Đảng Cộng hòa,” ông nói.
Ông nói ông cảm thấy ‘lá phiếu của mình rất quan trọng’ ở cấp độ bầu cử địa phương vì có khi ứng viên chiến thắng ‘chỉ cách biệt có mười mấy phiếu’.
Để đi đến quyết định sẽ bầu cho ai, ông nói ông cùng các đồng chí trong tổ chức chính trị của mình có các cuộc họp bàn thảo để phân tích, đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm của từng ứng viên.
“Chúng tôi xem nhân vật đó đưa ra sách lược như thế nào cho nhiệm kỳ của họ,” ông giải thích. “Chúng tôi quan tâm đến nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam nên xem người đó sẽ làm gì để ảnh hưởng đến Việt Nam.”
Về các ứng cử viên gốc Việt ở cấp độ bầu cử địa phương, ông Hải nói: “Lúc mới đầu, tôi có bàn cãi với anh em dù gì đi nữa mình là người Việt thì nên ủng hộ người Việt. Nhưng mà sau này chúng tôi nhận ra rằng chưa chắc người Việt làm được việc đó cho mình.”
Theo lời ông thì nếu ứng viên gốc Việt nào ‘kêu gọi làm ăn với Việt Cộng’ hay ‘nói chuyện với tổng lãnh sự Việt Cộng’ thì ông không ủng hộ. Do đó, dù đi theo Đảng Cộng hòa nhưng ông Hải vẫn bỏ phiếu cho các dân biểu Dân chủ đại diện địa phương mình nếu những dân biểu này lên tiếng về các vấn đề nhân quyền Việt Nam.
‘Đảng cử dân bầu’
Trước khi lưu vong sang Mỹ, ông Hải từng trải nghiệm qua các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở trong nước, mỗi 5 năm một lần. Ông nói ông không bao giờ đi bầu khi còn ở trong nước.
“Ở Việt Nam Đảng cử dân bầu. Chưa bầu chúng ta đã biết kết quả. Chúng tôi đã tẩy chay bầu cử từ xưa đến giờ.”
Do đó, gia đình ông ‘bầu theo hình thức tẩy chay’. Đó là khi chính quyền có người đến nhà hối thúc đi bầu thì mẹ ông với tư cách chủ hộ sẽ ‘cầm một nắm phiếu của tất cả những ai đủ tuổi trong nhà đem đến phòng phiếu bỏ chứ không có ý thức gì hết’.
Theo ông thì ‘bầu cử dân chủ ở Việt Nam chỉ là mị dân’ và ‘ngày bầu cử chỉ là đi chơi cho vui’. Ông nói ‘đa số người dân đi bầu là bị bắt buộc và những cán bộ, đoàn viên mà thôi’.
So sánh tỷ lệ bỏ phiếu của Việt Nam, vốn bao giờ cũng ở mức rất cao là 99%, trong khi ở Mỹ thường thấp hơn, ông Hải cho rằng ‘đó là do Việt Nam coi trọng thành tích’ kiểu như một mình mẹ ông bỏ phiếu hết cho cả nhà.
Khi được hỏi về việc Việt Nam cho phép tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội mà không cần thông qua Mặt trận Tổ quốc, ông Hải thừa nhận đó là ‘chuyển biến theo hướng dân chủ hơn’.
“Chúng tôi biết rằng có ra ứng cử cũng như không nhưng mình vẫn ủng hộ ứng cử độc lập để xem sự cởi mở của chính quyền Việt Nam như thế nào. Từ từ đến giai đoạn nào đó Việt Nam sẽ phải cởi mở hơn vì họ đã cam kết với các quốc gia dân chủ trên thế giới,” ông phân tích.
Ông Hải nhận định, nếu Việt Nam áp dụng nền dân chủ kiểu Mỹ thì ‘đầu tiên sẽ loạn, nhưng từ từ sẽ gạn lọc ra, bớt đi’. “Cho đến một ngày nào đó dân trí cao hơn thì người ta sẽ ứng xử tốt hơn,” ông nói, trong sự so sánh về tình trạng chia rẽ trong cộng đồng đối với hai ứng viên Trump và Biden.
Tuy nhiên, ông cho rằng không nên đợi ‘dân trí’ Việt Nam cao hơn mới thực hành dân chủ như Mỹ vì theo ông nền dân chủ đa đảng cho người dân ‘nhiều lựa chọn để so sánh cái nào tốt hơn’ thay vì ‘chỉ có một Đảng Cộng sản như hiện nay’.
“Việt Nam đã từng có đa đảng rồi chứ không phải là đa đảng không hợp với Việt Nam.”