Trưng cầu dân ý lại về Brexit ‘là kịch bản có khả năng’

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond

Ý tưởng về một cuôc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit rất có khả năng được đưa ra Quốc hội Anh một lần nữa mặc dù chính phủ của Thủ tướng Theresa May vẫn chống đối trưng cầu lại, Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết hôm 12/4.

Ông Philip Hammond nói rằng ông hy vọng Quốc hội sẽ phá vỡ thế bế tắc Brexit bằng cách thông qua thỏa thuận trước cuối tháng Sáu và do đó sẽ chấm dứt lời kêu gọi trưng cầu dân ý lại và rằng ‘có cơ hội cao’ các cuộc đàm phán giữa chính phủ với Đảng Lao động sẽ có đột phá.

“Tôi vẫn lạc quan rằng trong một vài tháng tới chúng tôi sẽ thông qua được một thỏa thuận,” ông Hammond nói với các phóng viên ở Washington nơi ông tham dự cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không thể loại trừ khả năng trưng cầu dân ý lần hai.

“Đó là đề xuất mà, dựa trên tất cả các bằng chứng, rất có thể được đưa ra Quốc hội vào một lúc nào đó,” ông nói.

Thủ tướng Anh Theresa May cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được các thành viên Đảng Bảo thủ của bà ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đã đàm phán với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hồi năm ngoái. Điều này khiến bà phải xin EU cho gia hạn Brexit và đã bắt đầu đàm phán với đảng đối lập để tìm cách phá thế bế tắc ở Quốc hội.

Nhiều nghị sỹ Lao động đang gây áp lực buộc lãnh đạo của họ Jeremy Corbyn đưa ra yêu sách trưng cầu dân ý lại trong các cuộc đàm phán với bà May.

Ông Hammond nói rằng mặc dù chính phủ của bà May chống đối trưng cầu dân ý lại, nhưng các đòi hỏi khác của Đảng Lao động – chẳng hạn như giữ lại liên minh thuế quan với EU – vẫn để ngỏ cho đàm phán.

Ông Hammond cũng nói rằng để tổ chức trưng cầu dân ý lại thì phải cần sáu tháng để chuẩn bị, do đó nếu Quốc hội bỏ phiếu trong vài tháng nữa để đặt điều kiện đưa thỏa thuận ra trưng cầu thì mới phê chuẩn thỏa thuận Brexit thì Anh không còn đủ thời gian thực hiện vì thời hạn mới mà EU cho nước Anh là đến ngày 31/10.

Là một trong những bộ trưởng ủng hộ ở lại EU mạnh mẽ nhất trong nội các của bà May, ông Hammond đã đối mặt chỉ trích của những người chủ trương Brexit cứng rắn khi ông nói rằng nước Anh cần gắn chặt với EU. Mới đây ông đã làm họ tức giận một lần nữa khi nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý khác về Brexit là ‘đề xuất hoàn toàn đáng tin cậy’.

Quốc hội Anh trước đây đã bác bỏ ý tưởng tổ chức trưng cầu dân ý lại và các giải pháp khả dĩ khác để giải quyết bế tắc Brexit.

Ông Hammond nói rằng nguy cơ của Brexit không có thỏa thuận đã giảm bớt nhưng vẫn chưa thể tránh được với việc EU cho gia hạn Brexit và hậu quả như thế sẽ có tác động đến kinh tế toàn cầu.