Truyện, thơ và vè tiếu lâm ở Việt Nam sau 1975

Truyện, thơ và vè tiếu lâm ở Việt Nam sau 1975

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất về phương diện văn học cũng như văn hoá xã hội tại Việt Nam sau năm 1975 là sự nở rộ của loại thơ, truyện và vè (cũng như các lời hát nhại) có tính chất tiếu lâm và mang ý nghĩa phản kháng về chính trị.

Thơ, truyện và vè đều thuộc phạm trù văn học dân gian.

Xin lưu ý, văn học nước nào cũng bao gồm hai bộ phận chính: văn học dân gian và văn học thành văn. Chúng khác nhau, trước hết, ở phương thức phổ biến: trong khi văn học thành văn tồn tại dưới hình thức văn bản cố định, gắn liền với văn hoá ký tự, đặc biệt văn hoá in ấn, văn học dân gian chủ yếu được truyền miệng từ người này qua người khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Từ những phương thức phổ biến khác nhau ấy, hai nền văn học này cũng khác nhau trong quan hệ với tác giả và độc giả: điều có vẻ như là yếu tính của văn học viết, tác giả và tác quyền, không hề tồn tại trong văn học dân gian. Thiếu tác giả, vai trò của độc giả, vốn là một phát hiện khá mới trong lý thuyết về văn học viết, đã là một sự thực hiển nhiên từ lâu trong văn học dân gian: ở đó, độc giả, với những mức độ khác nhau, tham gia vào quá trình lưu truyền, hơn nữa, sáng tạo tác phẩm. Khi vai trò độc giả nổi bật, có khi độc tôn như vậy, một đặc điểm mỹ học vốn gắn liền với văn học viết cũng bị biến mất: phong cách cá nhân. Nếu văn học viết gắn liền với ưu thế của phong cách cá nhân, trong văn học dân gian, may lắm, chỉ có phong cách thể loại, và một phần, nhạt hơn, phong cách địa phương. Mang phong cách thể loại và phong cách địa phương, văn học dân gian thể hiện rõ hơn văn học viết, tâm thế chung của xã hội và thời đại: đó thực sự là những tiếng nói của đám đông, của quần chúng vô danh và thầm lặng.

Ở đâu cũng có văn học dân gian. Nhưng, để ý mà xem, ở các nước phát triển, ý niệm văn học dân gian hầu như biến mất. Ở Úc, Mỹ, Pháp hay bất cứ quốc gia Tây phương nào khác, không ai nói đến sự tồn tại của cái gọi là văn học dân gian đương đại cả. Chỉ có văn hoá dân gian đương đại (contemporary folklore). Đã đành trong văn hoá dân gian cũng có một phần văn học, chủ yếu qua các giai thoại, câu đố, truyện cười và các truyền thuyết thị thành (urban legend), nhưng phần ấy chỉ là thứ yếu.

Mà cũng phải chứ. Ở xã hội Tây phương hiện nay, ai cần làm gì đến phương thức truyền khẩu. Viết được cái gì ưng ý, từ một bài thơ đến một truyện ngắn, từ một truyện tiếu lâm đến một bài bình luận, người ta có thể dễ dàng gửi ngay đến một tờ báo nào đó. Mà báo thì ở Tây phương thiếu gì. Bí nữa, người ta có thể tự đưa bài mình lên blog hay facebook. Khi đã được công bố kiểu như thế, tác phẩm và tác giả thuộc hẳn vào nền văn học viết. Hay hay dở, không cần biết; đã công bố, chúng tồn tại. Đã tồn tại, tên tác giả vẫn còn mãi đó. Tác giả còn, văn bản hoặc trên giấy in hoăc trên mạng còn: cái gọi là văn học dân gian không thể tồn tại được.

Có thể nói, văn học dân gian tồn tại, trước hết, dựa trên một số yếu tố: hoặc chưa có chữ viết, hoặc, nếu có, chữ viết ấy chưa được phổ cập; hoặc chữ viết đã được phổ cập nhưng người ta lại không có điều kiện để in ấn. Không có điều kiện vì một trong những lý do chính: kỹ nghệ in ấn còn kém; nếu không kém, sinh hoạt xuất bản hoặc phát hành chưa thực sự vững mạnh. Khi những điều kiện căn bản của văn học viết này chưa có hoặc chưa đủ, văn học dân gian còn có cơ hội sinh sôi nảy nở. Đó là lý do tại sao, ngày xưa, trước khi kỹ nghệ in và ngành xuất bản cũng như báo chí chưa được thương mại hoá, ở đâu văn học dân gian cũng đóng vai trò quan trọng, thậm chí, ở những nơi nạn mù chữ thật cao, nó còn đóng vai trò chủ đạo.

Ở Việt Nam, do sự yếu kém của giáo dục cũng như kỹ thuật kéo dài cả hàng ngàn năm, văn học dân gian lúc nào cũng tồn tại song song với văn học viết ít nhất cho đến đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, tại sao sau năm 1975, văn học dân gian lại nở rộ như vậy?

Lý do, thật ra, rất dễ hiểu. Hầu như ai cũng biết. Đó là nạn độc tài. Chữ, người dân biết. Biết giỏi hơn hẳn các thời kỳ trước nữa là khác. Kỹ thuật in ấn cũng phát triển cao. Hiện nay, để in một cuốn sách hay một tờ báo với độ dày vừa phải, người ta chỉ cần mấy tiếng đồng hồ. Điều kiện kỹ thuật hiện đại cũng có sẵn. Muốn blog, có blog. Muốn facebook, có facebook. Muốn website, có website. Chỉ có điều là không phải ai và lúc nào người ta cũng lọt qua được các cửa kiểm duyệt của các phương tiện truyền thông ấy. Sách báo thì đều nằm hết trong tay nhà nước. Kiểm duyệt thì tầng tầng lớp lớp, vô cùng chặt chẽ, thậm chí khắc nghiệt. Ngay trên mạng cũng có công an lúc nào cũng rình rập, xoi mói. Trong những điều kiện như thế, để bày tỏ quan điểm và thái độ của mình, người ta không còn cách nào khác ngoài phương thức xưa cũ đã có từ hàng ngàn năm trước: truyền miệng.

Như vậy, nếu nạn mù chữ hoặc sự yếu kém về kỹ thuật in ấn, từ đó, của ngành báo chí và xuất bản là những điều kiện dẫn đến sự ra đời và thịnh phát của văn học dân gian thì điều kiện để văn học dân gian còn tiếp tục tồn tại mãi đến tận ngày nay, thời được gọi là hậu kỹ nghệ, hậu hiện đại với các cuộc cách mạng tưng bừng của các phương tiện truyền thông đại chúng, chính là tình trạng thiếu dân chủ, đặc biệt, thiếu quyền tự do ngôn luận.

Bởi vậy, chưa cần biết nội dung của dòng văn học dân gian ấy ra sao; chỉ riêng về sự tồn tại của nó không đã đủ để tố giác tính chất độc tài, toàn trị nghiệt ngã của chế độ. Nếu thừa nhận nhận định này, chúng ta bắt buộc phải thừa nhận một nhận định khác: trong bối cảnh thiếu vắng tự do ngôn luận như vậy, chính những tiếng nói thầm lén và vô danh qua những bài thơ, bài vè và truyện tiếu lâm rải rác trong dân chúng mới là những tiếng nói trung thực và đáng tin cậy nhất.

Mai sau, nghiên cứu về xã hội Việt Nam sau năm 1975, tôi tin sẽ là một thiếu sót lớn, cực lớn, nếu người ta quên không khai thác vốn văn học dân gian phong phú này.

Nói thế cũng là nói: một trong những công việc có ý nghĩa nhất hiện nay mà nhiều người có thể làm được là sưu tầm các bài thơ, bài vè, lời hát nhại và các truyện tiếu lâm có nội dung chính trị ấy. Không bắt đầu sớm, chắc chắn chúng sẽ dần dần mai một đi. Càng muộn càng khó.

May, một số người đã khởi sự. Đến nay, đã có một số công trình nhất định. Cách đây mấy năm, ở Úc, Nguyễn Ngọc Phách có xuất bản cuốn “Việt sử đương đại qua 200 câu vè bất hủ” (2007), trên Talawas.org có loại bài “Tiếu lâm chính trị (Việt Nam, năm 1980)” của Trần Khốt; và mới đây, tạp chí Truyền Thông tại Canada ra số đặc biệt về chuyên đề “Nụ cười”, trong đó, có một số bài về đề tài truyện cười xã hội chủ nghĩa (số 36).

Tất cả đều chỉ là những bước dò dẫm. Công việc sưu tập chắc chắn cần được đẩy mạnh hơn nữa, cập nhật hơn nữa. Và công việc phân tích các tác phẩm ấy cũng cần thiết không kém.

Một số truyện tiếu lâm tiêu biểu:

Xin giới thiệu một số truyện do Trần Khốt sưu tầm và kể lại trong loạt bài “Tiếu lâm chính trị (Việt Nam, năm 1980)” www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10782&rb=08 để bạn đọc thưởng thức với hy vọng các bạn sẽ có hứng thú tiếp tục công việc Trần Khốt và một số người khác đã khởi sự. (Những chữ trong ngoặc [...] là do tôi thêm vào.)

NHQ

Nhất thế giới

Để dư luận thế giới chú ý đến nạn đói đang hoành hành ở nhiều nước thuộc thế giới thứ ba, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc quyết định mở cuộc thi vẽ lớn với đề tài: cảnh đói khát khủng khiếp nhất.

Nhiều hoạ sĩ nổi tiếng thuộc các nước nghèo sôi nổi tham gia cuộc thi. Họ cố mô tả thật sắc nét tình trạng đói khát cùng cực ở đất nước mình, đặng tranh thủ sự trợ giúp của các nước giàu. Tuy nhiên, lọt vào vòng chung kết chỉ có tranh của hoạ sĩ ba nước: Ấn Độ, Campuchia và Việt Nam. Ba bức tranh này được đưa ra xét kỹ tại một hội đồng giám khảo quy tụ nhiều hoạ sĩ bậc thầy.

Tranh Ấn Độ được xét đầu tiên. Mọi người trầm trồ tán thưởng bức tranh vẽ hai người Ấn gầy giơ xương đang tranh nhau một miếng thịt bò. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận xét: “Người Ấn tôn thờ bò. Vậy mà giờ đây, họ chẳng những mổ bò làm thịt, mà còn tranh nhau từng miếng thịt nhỏ. Qua đó đủ biết ở Ấn Độ, tình trạng đói khát ghê gớm đến mực nào!” Bức tranh được toàn thể Hội đồng Giám khảo nhất trí tặng giải ba.

Đến lượt bức tranh Campuchia đưa ra, mọi người rùng mình khi thấy một người Khmer, nom hệt bộ xương, đang ngồi trên đống xương khô (nạn nhân thời Pol Pot), hai tay cầm đầu ống xương cho vào mồm, má hóp lại để cố mút chút tuỷ may ra còn sót lại. Sau một hồi bàn cãi, các vị giám khảo biểu quyết bức tranh thê thảm ấy được giải hai.

Còn bức tranh của Việt Nam ta? Cả phòng ồ lên sửng sốt khi người ta giới thiệu bức tranh. Và không hề bàn cãi một lời, toàn thể Hội đồng Giám khảo nhất trí tặng nó giải nhất. Có ý kiến còn cho rằng nó xứng đáng được trao giải đặc biệt...

Bức tranh Việt Nam ta hết sức giản dị: cái lỗ đít bị mạng nhện chăng đầy.

Nhất trí 100 %

Một hôm, sau ngày làm việc cực nhọc ngoài đồng, Trâu ta vừa nằm nhai cỏ, vừa ngẫm nghĩ sự đời. Trâu thấy mình làm lụng chăm chỉ quanh năm suốt tháng, lại không hề kêu ca, đòi hỏi lấy nửa lời, rất xứng đáng với danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Nghe nói Đảng đang cần kết nạp những người “Lao động tiên tiến” để tăng cường đội ngũ công nông, Trâu ta bèn quyết định nộp đơn xin vào Đảng.

Đơn của Trâu liền được đưa ra Chi bộ xem xét. Chi bộ nhận thấy đồng chí Trâu tuy làm việc rất đáng được trao danh hiệu “Lao động tiên tiến”, nhưng lại kém thông minh, nên đơn bị bác.

Ngựa thấy Trâu làm đơn xin vào Đảng, liền bắt chước. Trong đơn, Ngựa viết: “So với đồng chí Trâu, tôi chẳng những lao động không thua kém, mà lại thông minh hơn nhiều. Ngoài ra, tôi còn có thể làm vật cưỡi cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao dạo chơi...”

Chi bộ cũng xem xét ngay đơn xin vào Đảng của Ngựa. Mấy ưu điểm mà đồng chí Ngựa nêu trong đơn đều được Chi bộ ghi nhận. Nhưng cuối cùng, đơn của Ngựa cũng bị bác với lý do chắc nịch: đồng chí Ngựa có cú đá hậu rất độc, ảnh hưởng nặng nề đến đoàn kết nội bộ.

Thấy đơn của Trâu và Ngựa đều bị Chi bộ bác, Rệp và Muỗi liền làm đơn xin vào Đảng. Đơn của hai đồng chí chuyên hút máu này viết hệt như nhau: “Tôi tuy chẳng phải là Lao động tiên tiến như đồng chí Trâu và đồng chí Ngựa, nhưng bù lại, tôi có cái cơ bản mà hai đồng chí đó không thể có: trong huyết quản của tôi từ bao đời nay đều có dòng máu công nông. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn xứng đáng được đứng trong hàng ngũ Đảng của giai cấp công nông...”

Đơn của đồng chí Rệp và đồng chí Muỗi được Chi bộ chấp nhận với sự nhất trí 100%.

Toà nhà không hố xí

Tại Hà Nội, một toà nhà bốn tầng mới xây thu hút nhiều người đến tham quan, vì nó được thiết kế khá đẹp. Chỉ có điều rất lạ là suốt cả bốn tầng đều không hề có một hố xí nào. Mọi người xúm lại hỏi ông kiến trúc sư và được ông giải thích như sau:

“Tầng một [5] dành cho nhà trẻ, các cháu đi ị vào bô. Tầng hai dành cho cán bộ cấp thấp, mọi người đi ị ở cơ quan. Tầng ba dành cho cánh văn nghệ sĩ thì ị được bãi nào, họ nhét vào mồm nhau bãi ấy. Còn tầng bốn dành cán bộ cấp cao, mấy vị ấy chỉ quen ị lên đầu thiên hạ. Bởi thế, chúng tôi xây hố xí làm gì cho nó lãng phí?”

Lý lịch vào Khối SEV [Hội đồng Tương trợ Kinh tế thuộc khối xã hội chủ nghĩa]

Họ và tên: Việt Nam

Tuổi: 4.000

Họ và tên cha: Liên Xô

Họ và tên mẹ: Trung Quốc

(Ghi chú: Cha mẹ đã ly dị từ nhiều năm, nay sống dựa vào cha sau khi bị mẹ “uýnh đau” hồi đầu năm 1979.)

Tôn giáo: Đa thần giáo Mác-Lê-Mao, có pha trộn cả Khổng giáo, Nho giáo và đôi chút Phật giáo

Nghề thành thạo nhất: Đánh nhau

Quan hệ bạn bè: Không chơi với ai và nếu có chơi cũng không lâu dài.

Cả ngày xếp hàng

Một đám người già trẻ lớn bé đang xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng lương thực phố Đặng Dung, Hà Nội. Đứng cuối hàng là người đàn bà có vẻ mặt cau có. Mãi một lúc lâu, hàng người rồng rắn mới nhích được một chút. Thấy vậy, bà nọ ca cẩm: “Cứ điệu này thì đến tận tối cũng chửa chắc đã mua được gạo. Dân Sài Gòn giễu bốn chữ viết tắt “chủ nghĩa xã hội” (CNXH) là ‘cả ngày xếp hàng’, cũng chẳng oan đâu. Tiên sư nhà chúng nó!”

Một ông lão đứng cạnh nghe vậy, bèn bàn góp: “Bà đứng đây chửi thì chỉ có bà và đám dân quèn này nghe thôi. Bà có gan, đến trước cửa nhà anh Ba [tức Lê Duẩn] mà chửi thì mới hả”.

Bà nọ hí hửng: “Cụ dạy chí phải. Nhờ cụ giữ chỗ hộ cháu, cháu chạy ù ra trước nhà anh Ba chửi một trận cho đã tức. Nhà anh Ba ở ngay đây thôi mà!”

Nói rồi, bà ta te tái đi.

Mươi phút sau, đã thấy bà hầm hầm quay lại. Ông lão bèn hỏi: “Sao chửi nhanh thế?” Bà nọ hậm hực nói: “Nào đã được chửi! Ở trước nhà anh Ba, muốn đứng chửi cũng phải... xếp hàng. Mà hàng ở đấy lại dài hơn ở đây nhiều lắm, đứng đến mai chửa chắc đã tới lượt mình. Cháu gửi chỗ đằng ấy rồi, giờ thì xếp hàng mua gạo cái đã. Tiên sư nhà chúng nó!”

Mong sống lâu

Một hôm, toán bảo vệ tóm được kẻ ném trộm vào nhà anh Ba một gói giấy. Mở gói ra, thấy hai củ nhân sâm, ai cũng sửng sốt. Sợ nhân sâm tẩm thuốc độc, bèn gửi đi xét nghiệm cấp tốc. Kết quả: sâm Cao Ly 100%.

Toán bảo vệ quá ngạc nhiên, liền xúm vào tra hỏi kẻ ném gói nhân sâm nọ. Cuối cùng, hắn khai: “Một nhân viên CIA thuê tôi hằng tuần ném vào nhà ông Ba hai củ nhân sâm để ông tẩm bổ”. Nghe nói vậy, một viên bảo vệ đập bàn, quát: “Mày nói láo! Bọn CIA chỉ rắp tâm ám sát anh Ba, sao chúng lại tính chuyện tẩm bổ? Mày muốn sống thì khai thật đi!”

Tên bị bắt run lẩy bẩy, nói: “Dạ, tôi không dám nói sai nửa lời. Gã CIA nọ bảo cứ tẩm bổ cho anh Ba sống lâu thì Mỹ chẳng cần đánh phá gì, Việt Nam vẫn cứ kiệt quệ...”

Không có ba cây...

Một hôm khác, các nhân viên bảo vệ Lăng bỗng chẳng thấy thi hài Bác đâu cả. Công an Hà Nội và các tỉnh được lệnh tức tốc đi tìm.

Cuối cùng, người ta thấy Bác khoác ba lô đứng thẫn thờ ở Bến Nhà Rồng (Tp. Hồ Chí Minh), nơi Bác từng ra đi tìm đường cứu nước 69 năm trước. Bác giải thích với nhóm công an vừa kéo đến: “Bác buồn cho dân tình, lại lo cho tương lai nước nhà. Bác tính ra đi tìm đường cứu nước lần nữa. Nhưng, hỡi ơi, vì không có ba cây [3 lượng vàng, dùng để vượt biên] nên đám công an ở đây nhất định không cho Bác lên tàu!”


* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.