Trung Quốc hôm 11/9 đã kêu gọi người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet tôn trọng chủ quyền của họ đối với Tân Cương sau khi bà Bachelet bày tỏ quan ngại về tình hình ở Tân Cương và kêu gọi Bắc Kinh cho phép các thanh sát viên vào khu tự trị bất ổn tại vùng viễn tây Trung Quốc
Bắc Kinh đã tuyên bố rằng Tân Cương đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ những chiến binh và những phần tử ly khai Hồi giáo bị Trung Quốc tố cáo là âm mưu các vụ tấn công và khuấy động căng thẳng giữa người Uyghur theo đạo Hồi, vốn là dân bản địa ở Tân Cương, với dân Hán tộc.
Hồi tháng trước, một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc loan báo đã nhận được những báo cáo đáng tin cậy cho biết có đến một triệu người Uyghur có lẽ đang bị cầm giữ tại các trại giam không đúng pháp luật ở Tân Cương và kêu gọi trả tự do cho họ.
Ở Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng đã tỏ dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không muốn Liên Hiệp Quốc can dự vào vấn đề Tân Cương.
“Trung Quốc kêu gọi cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc tuân thủ chặt chẽ sứ mạng và những nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc trong việc tôn trọng chủ quyền và phải thực hiện chức trách của mình một cách công bằng và khách quan và không nghe thông tin một chiều,” ông Cảnh phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ.
Bắc Kinh trước đây vẫn cáo buộc những thế lực chống Trung Quốc là đứng đằng sau những chỉ trích về chính sách của họ đối với Tân Cương.
Trong vòng hai năm qua, nhà chức trách Trung Quốc đã đột nhiên tăng cường an ninh và giám sát tại khu tự trị này – một hành động mà các nhà chỉ trích so sánh với tình trạng gần như thiết quân luật – với các trạm kiểm soát của cảnh sát, các trung tâm cải tạo và thu thập ADN ở quy mô lớn.
Lời kêu gọi của bà Bachelet được đưa ra vào lúc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết người sắc tộc Uyghur đã bị bắt bớ tùy tiện, bị kiềm chế trong các hoạt động tôn giáo hàng ngày và ‘bị cưỡng bức nhồi nhét về chính trị’.
Trong bài diễn văn đầu tiên trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, vốn là cựu Tổng thống Chile, cho biết cơ quan này đã đưa ra ánh sáng ‘những cáo buộc gây đau buồn sâu sắc về việc bắt giữ tùy tiện người Uyghur cũng như các cộng đồng Hồi giáo khác ở quy mô lớn trong cái gọi là ‘trại cải tạo’ trên khắp Tân Cương’.