Tuần này, Tổng thống Park Geun-hye của Hàn Quốc đến Thủ đô Washington để mở các cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama để bàn về việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên và những quan ngại của Hoa Kỳ đối với tình trạng căng thẳng đang tiếp diễn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhưng có phần chắc mối quan hệ mật thiết giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cũng sẽ là một đề tài, nhất là sau khi hồi tháng trước Tổng thống Park thu hút sự chú ý trong tư cách là một vị khách nổi bật tại cuộc diễu binh rầm rộ của Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm Thế chiến thứ Hai. Bà Park là một trong số những vị khách duy nhất của một quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ tham dự buổi lễ này.
Phân tích gia trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Sách lược và Quốc tế tại Washington, ông Victor Cha nhận định: “Khi tôi nói chuyện với các giới chức chính quyền về việc đó, tôi không nhận thấy có nhiều nỗi lo âu.”
Khi bà Park hội kiến ông Obama vào ngày thứ sáu tới, có nhiều phần chắc họ sẽ thảo luận xem liệu các nỗ lực của bà nhằm lôi kéo Bắc Kinh đến gần hơn với Seoul và xa ra khỏi Bình Nhưỡng có mang lại hiệu quả hay không. Kể từ khi đắc cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2012, bà Park đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc và đã tìm cách thiết lập quan hệ thân thiết hơn qua ngoại giao cá nhân và tăng cường quan hệ kinh tế.
Cũng trong thời gian này, quan hệ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng đã trở nên căng thẳng. Tiếp theo vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã cùng với Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài Bình Nhưỡng. Lên năm quyền từ năm 2001, ông Kim Jong Un vẫn chưa đi thăm Bắc Kinh.
Trong khi dường như sách lược của bà Park đã đạt được thành quả trong việc gạt ra ngoài lề mà không khiêu khích Bình Nhưỡng, ông Michael Green, người giữ chức chủ tịch về châu Á và Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược CSIS nêu ra rằng Bắc Kinh tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế cấp thiết cho Bắc Triều Tiên.
Ông Green lập luận, “Về thực chất những gì Trung Quốc đang làm để giúp cho vấn đề Bắc Triều Tiên, vẫn còn phải chờ xem sự đầu tư này có đem lại kết quả hay không.”
Quan Hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng
Chỉ mới hồi cuối tuần rồi, một phái đoàn của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Lưu Vân Sơn, lãnh tụ đứng hàng thứ năm trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động cầm quyền, trong một cử chỉ dường như để bày tỏ sự hậu thuẫn cho ông Kim Jong Un.
Trong cuộc diễu binh của quân đội Bắc Triều Tiên, ông Lưu đã đứng cạnh ông Kim và người ta thấy 2 người mỉm cười và chuyện trò với nhau.
Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục ngưng các hành động khiêu khích như thử nghiệm phi đạn và thay vì thế hợp tác trong việc chủ trì những cuộc đoàn tụ các gia đình bị phân ly dự trù bắt đầu vào tuần tới, thì áp lực có thể đè nặng khiến Seoul phải hơi tách ra khỏi Washingtong và nới lỏng các biện pháp chế tài Bình Nhưỡng.
Trong khi liên minh quân sự vẫn vững mạnh với trên 28 ngàn binh sĩ Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc, có một vài quan ngại rằng chính phủ Park đang cưỡng lại yêu cầu của Washington muốn thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD trong nước để khỏi gây mất thân thiện với Bắc Kinh. Cả Washington lẫn Seoul đều phủ nhận điều này và nói hiện vẫn chức có lời yêu cầu chính thức của Hoa Kỳ có liên quan đến hệ thống THAAD.
Cũng có những quan điểm trong khu vực cho rằng Hàn Quốc không muốn liên kết với Hoa Kỳ để chỉ trích Trung Quốc về các hành động hung hăng ở Biển Đông hay những vụ vi phạm nhân quyền. Ông Green của CSIS nói trong thời gian ở Washington, bà Park nên đề cập đến vấn đề này.
Ông Green nói, “Rõ ràng, tôi nghĩ điều sẽ rất quan trọng là Tổng thống Park phải giải thích một quan điểm về tương lai của châu Á cho thấy điều mà tất cả chúng ta đều biết là Triều Tiên có cam kết với một trật tự công khai dựa vào pháp trị và dân chỉ và không có sự cưỡng ép.”
Căng thẳng với Tokyo
Ngược lại với sự thân thiện ngày càng tăng của Hàn Quốc với Trung Quốc là cuộc tranh chấp đang tiếp diễn với Tokyo và hàng ngàn “an úy phụ” Triều Tiên đã bị buộc phải làm gái mãi dâm trong Thế chiến thứ hai.
Trong một bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không đưa ra lời xin lỗi công khai mà bà Park yêu cầu trước khi gặp ông.
Nhưng bà Park quyết định bỏ lời yêu cầu đó bởi vì ông Abe đã hứa sẽ tôn trọng những lời cáo lỗi của các nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đây, kể cả Thông cáo Kono năm 1993 đưa ra lời xin lỗi và tỏ ý hối hận với các an úy phụ.
Bà Park và ông Abe đã đồng ý họp với ông Tập Cận Bình trong một cuộc họp thượng đỉnh ba bên vào cuối năm nay.
Nhưng vấn đề này tiếp tục gây khó khăn cho bang giao giữa hai đồng minh quan trọng của Washington tại châu Á.
Về vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế, bà Park và ông Obama có phần chắc sẽ thảo luận về lợi ích của Hàn Quốc trong việc tham gia hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP bao gồm 12 quốc gia Thái Bình Dương kể cả Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nhưng việc mở rộng số thành viên của TPP có thể phải mất nhiều năm bởi vì thỏa thuận phải đối mặt với một tiến trình phê chuẩn lâu dài rồi phải được thực thi trong các thành viên sáng lập trước khi có thể thêm bất cứ thành viên mới nào.