Nhiều nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Iran và Zimbabwe, hôm nay đã đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi ở Jakarta. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại địa điểm hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày chiến lược nhiều tham vọng của nước ông để phát triển kinh tế trên khắp Châu Á và Phi Châu qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ký kết các hiệp định hợp tác thương mại.
Trong tháng qua, Trung Quốc đã phác hoạ các kế hoạch của họ về “Con đường Tơ lụa Mới”, theo đó Bắc Kinh sẽ đầu tư nhiều tỉ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Á, Trung Đông và Âu Châu.
Kế hoạch có tên “Một Vành Đai, Một Con Đường” cũng bao gồm việc phát triển một tuyến thương mại trên biển nối liền các hải cảng của Trung Quốc với những trung tâm thương mại ven biển ở Phi Châu và Trung Đông.
Kế hoạch sẽ làm tăng mạnh vai trò kinh tế vốn rất đáng kể của Trung Quốc trong hoạt động thương mại toàn cầu trong lúc cam kết nối kết các nước muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của chính họ.
Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay nói với các đại biểu của hơn 100 nước, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, rằng Bắc Kinh sẽ giảm thiểu thêm nữa thuế suất nhập khẩu cho các nước đang phát triển để giúp những nước này tăng cường nền kinh tế của mình.
Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ dành mức thuế zero cho 97% các mặt hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia kém phát triển có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp sự trợ giúp cho các nước đang phát triển mà không kèm theo những điều kiện chính trị.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng kế hoạch kinh tế của nước ông là “phương pháp đôi bên cùng thắng”, thông qua việc xúc tiến thương mại và đầu tư.
Những người chỉ trích kế hoạch phát triển của Trung Quốc nói rằng các dự án xây dựng của nước này không tuân thủ những biện pháp bảo vệ nhân quyền và môi trường như những dự án được tài trợ bởi các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Hoa Kỳ thường đặt điều kiện cho những khoản viện trợ phát triển, đòi các nước nhận viện trợ cải thiện tính chất minh bạch, bài trừ tham nhũng hoặc đạt được những tiến bộ về các quyền chính trị và xã hội.
Trong bài diễn văn tại hội nghị ngày hôm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói “Chúng ta cần phải xây dựng một nền kinh tế mới, một nền kinh tế cởi mở hơn đối với các cường quốc kinh tế mới nổi.” Indonesia là một trong 57 nước xin gia nhập ngân hàng phát triển mới của Trung Quốc có tên là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Nhật Bản và Hoa Kỳ không gia nhập.
Ông Widodo hô hào cho một trật kinh tế mới không bị chế ngự bởi các định chế do Hoa Kỳ và Trung Quốc kiểm soát.
Đồng chủ tịch hội nghị, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, 91 tuổi, lên tiếng cổ xuý cho việc cải cách Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là loại bỏ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an của 5 nước hội viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
"Một trong các vật liệu thiết yếu để thực hiện việc này là tăng cường sự đoàn kết của chúng ta để tiếp tục tranh đấu cho một Liên Hiệp Quốc thừa nhận tất cả các đối tác là những đối tác bình đẳng."
Các nhà lãnh đạo Trung Đông, như Quốc vương Abdullah của Jordan, kêu gọi các nước đoàn kết trong cuộc chiến chống lại quân khủng bố và những nhóm hiếu chiến của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Ông đề cập tới việc thế giới đã đồng thanh hỗ trợ cho nỗ lực này khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo giết hại hai con tin người Nhật và một viên phi công của Jordan.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đặc biệt lên án phiến quân Sunni đang chiến đấu ở Iraq và Syria. Có lẽ ông muốn nói tới Ả rập Xê út và những nhóm khác của người Hồi giáo Sunni khi đả kích “những tác nhân quốc tế và khu vực” ủng hộ cho những phần tử cực đoan. Ả rập Xê út đang dẫn đầu một liên minh chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Trong bài diễn văn tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về cuộc chiến tranh trong quá khứ. Ông muốn nói tới những sự chỉ trích của Trung Quốc và Nam Triều Tiên cho rằng ông tìm cách chối bỏ những hành vi tàn ác mà quân đội Nhật đã làm trong thế chiến thứ hai.
Hầu hết các nhà lãnh đạo khác tập trung sự chú ý của họ vào công cuộc giao thương giữa các nước đang phát triển, gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, nhà máy điện, hải cảng, và những vấn đề phát triển khác.
Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi sẽ bế mạc vào ngày mai và theo dự liệu các đại biểu sẽ đúc kết một khuôn khổ hợp tác mới và các hiệp định hợp tác thương mại song phương. Nhiều nhà lãnh đạo cũng sẽ tham dự một buổi lễ ở Bangdung vào ngày thứ sáu để diễn lại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi lần thứ nhất năm 1955.