Đường dẫn truy cập

Trung Quốc phái binh sĩ duy trì hoà bình tới Nam Sudan


دونالد ترامپ در حال سخنرانی
دونالد ترامپ در حال سخنرانی

Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã phái thêm binh sĩ duy trì hoà bình tới Nam Sudan để tăng viện cho hàng trăm quân nhân Trung Quốc đang trú đóng ở quốc gia Phi châu này. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Phi Châu đang trên đà gia tăng.

Giới hữu trách Trung Quốc cho biết 130 binh sĩ của họ đã lên đường tới Nam Sudan để cùng hoạt động với 570 binh sĩ gìn giữ hoà bình Trung Quốc được phái tới khu vực này trong 3 tháng qua. Những binh sĩ này đang tìm cách ngăn chận một cuộc nội chiến đã giết chết hơn 10.000 người ở Nam Sudan và buộc hơn 1 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Theo tố cáo của các tổ chức nhân quyền, chính phủ cũng như các lực lượng chống đối và những phe nhóm khác ở Nam Sudan đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng các quyền con người trong cuộc xung đột này.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng việc triển khai 130 binh sĩ đó khẳng định vai trò toàn cầu mỗi ngày một tăng của Trung Quốc trong việc đóng góp binh sĩ cho các lực lượng duy trì hoà bình.

Ông Daniel Wagner, Tổng giám đốc công ty tư vấn Country Risk Solutions, nhận định như sau về việc này.

Ông Wagner cho biết: "Cũng giống như các nước khác, Trung Quốc vừa muốn bảo vệ các quyền lợi của mình vừa muốn phát huy sức mạnh của mình. Và đó chính là những gì đang diễn ra tại Nam Sudan vào lúc này. Cho nên, bên cạnh vấn đề dầu lửa còn có một vấn đề lớn hơn. [Đó là] Phải chăng Trung Quốc đã sẵn sàng để gánh vác những trách nhiệm của một cường quốc thế giới đang trỗi dậy. Và đương nhiên là chúng ta có thể dùng trường hợp Nam Sudan để làm một phép thử nhanh cho vấn đề này."

Trong hai thập niên từ khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1971, Trung Quốc đã từ chối đóng góp binh sĩ hoặc tiền bạc cho các hoạt động gìn giữ hoà bình, phản ánh chính sách bất can thiệp của Bắc Kinh. Nhưng từ những năm đầu của thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu tham gia các sứ mạng của Liên Hiệp Quốc và trong những năm gần đây số nhân viên quân sự mà họ phái ra nước ngoài đã gia tăng rất nhanh.

Việc điều động binh sĩ tới Nam Sudan đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc phái một tiểu đoàn bộ binh để thực hiện một sứ mạng gìn giữ hoà bình.
Việc điều động binh sĩ tới Nam Sudan đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc phái một tiểu đoàn bộ binh để thực hiện một sứ mạng gìn giữ hoà bình.

Việc điều động binh sĩ tới Nam Sudan đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc phái một tiểu đoàn bộ binh để thực hiện một sứ mạng gìn giữ hoà bình. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong những sứ mạng trước đây binh sĩ nước họ chỉ nắm giữ những vai trò hỗ trợ, nhưng lần này tiểu đoàn bộ binh của họ còn có khả năng tác chiến.

Ông Tôn Vân, một nhà nghiên cứu của Viện Brookings ở Washington, nói rằng việc bảo vệ những khoản đầu tư rất lớn của Trung Quốc vào công nghiệp dầu khí ở Nam Sudan có lẽ là một trong các lý do của việc gia tăng số lượng binh sĩ duy trì hoà bình. Năm 2011, 5% số lượng dầu lửa mà Trung Quốc sử dụng là đến từ Nam Sudan và một số những vụ bạo động dữ dội nhất đã xảy ra tại hai tiểu bang sản xuất dầu là Unity và Upper Nile.

Ông Tôn nói: "Tôi biết là từ quan điểm của Trung Quốc họ muốn nói rằng chúng tôi đang góp người, góp của. Vâng, Trung Quốc đang đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động gìn giữ hoà bình trên thế giới. Nhưng mặt khác, khi chúng ta nhìn vào phía bên kia, chúng ta sẽ thấy là Trung Quốc có những quyền lợi đáng kể trong lãnh vực dầu khí ở đó. Vì vậy, động cơ của Trung Quốc không phải là hoàn toàn vị tha."

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi việc bố trí binh sĩ gìn giữ hoà bình ở Nam Sudan là bằng chứng về vai trò mới của nước này như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu cũng hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc vào các sứ mạng duy trì hoà bình của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể gây thêm bất ổn ở Nam Sudan. Bà Elizabeth Deng của Hội Ân Xá Quốc Tế đã phát giác những bằng chứng cho thấy tháng 6 năm ngoái một nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc đã đưa tới Nam Sudan một số lượng vũ khí khá lớn.

Bà Deng cho biết: "Năm ngoái chúng tôi đã có thể xác nhận một chuyến hàng vũ khí lớn từ Norinco, một nhà sản xuất do nhà nước làm chủ. Một chuyến hàng của các loại vũ khí nhỏ và vũ khí nhẹ trị giá 30 tỉ đô la."

Cũng có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể gây thêm bất ổn ở Nam Sudan.
Cũng có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể gây thêm bất ổn ở Nam Sudan.

Tháng 9 năm 2014, hãng tin Bloomberg cho biết một giới chức của Đại sứ quán Trung Quốc ở Juba nói rằng phần còn lại của hợp đồng đã bị huỷ bỏ vào tháng 7 sau khi giới hữu trách xác định vụ chuyển giao vũ khí đó là “không thoả đáng.”

Hội Ân Xá Quốc Tế, các tổ chức nhân quyền khác, và một số giới chức Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi áp dụng lệnh cấm vận vũ khí trong vụ xung đột ở Nam Sudan. Hội Ân Xá Quốc Tế nói rằng vũ khí rất có thể sẽ lọt vào tay của cả hai bên dính líu tới những vụ giết hại thường dân.

Mặc dầu vậy, Hoa Kỳ chỉ ủng hộ những biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào những cá nhân bị cho là ngăn chận các nỗ lực hoà bình.

Giao tranh bùng ra một lần nữa ở Nam Sudan vào tháng 12 năm 2013, làm gia tăng những mối căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc. Vài cuộc ngưng bắn sau đó đã bị vi phạm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG