Do căng thẳng gia tăng gần đây ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc vừa trang bị tàu hậu cần bán ngầm đầu tiên có tên gọi là Đông Hải Đảo cho hạm đội Nam Hải, tờ Want China Times cho biết tin này hôm nay (15/7).
Tàu bán ngầm Đông Hải Đảo (868) được thiết kế tương tự như Tàu Đổ bộ Cơ động (MLP) của Mỹ, mặc dù Đông Hải Đảo có kích thước nhỏ hơn nhiều. Truyền thông Trung Quốc cho biết tàu dài 175,5 met, rộng 32,4 met. Trong tải của tàu là 20.000 tấn, nhỏ hơn nhiều so với con số 78.000 tấn của MLP của Mỹ.
Tàu được gắn một hệ thống ba-lát nửa nổi nửa chìm, cho phép phần lớn thân tàu chìm dưới nước. Tàu có thể chở được các máy bay đổ bộ hạ cánh, trực thăng, tàu cao tốc và xe bọc thép.
Tàu bán ngầm Đông Hải Đảo còn được gọi là "tàu bán ngầm mẹ", vì ngoài chức năng vận chuyển và các chức năng chiến lược, nó còn có thể được biến thành một căn cứ hàng hải, giúp cho PLA trong việc thực hiện các hoạt động đổ bộ tấn công quy mô lớn và có thể phục vụ như một bến tạm để sửa chữa các tàu hỏng.
Truyền thông Trung Quốc cho biết nhiệm vụ chính của tàu sẽ là vận chuyển binh lính và vật liệu xây dựng hàng hải. Ngoài ra, tàu cũng có khả năng chở các tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) lớp Zubr mà Trung Quốc đã mua của Nga, cho phép Bắc Kinh có khả năng triển khai các cuộc tấn công đổ bộ ở các hòn đảo nhỏ.
Want China Times cho biết Zubr là loại tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới, có khả năng chở xe tăng và thiết bị hạng nặng khác vào bờ. Nó có tốc độ khoảng 60 hải lý và có thể tự vận hành trên biển trong 5 ngày mà không cần tiếp liệu. Nó cũng có thể khả năng vượt eo biển Đài Loan và trở về Trung Quốc chỉ trong vòng bốn giờ đồng hồ.
Việc trang bị tàu bán ngầm Đông Hải Đảo và khả năng vận hành tàu Zubr cho Hạm đội Nam Hải sẽ tăng cường đáng kể khả năng đổ bộ của hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Biển Đông, mở rộng đáng kể phạm vi 300 dặm của tàu Zubr.
Động thái này của Trung Quốc khiến cho các bên tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng tàu để thay đổi hiện trạng tại các bãi đá và đảo mà họ đang kiểm soát. Các nhà phân tích ở Đài Loan còn cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng tàu này để triển khai một cuộc tấn công vào Đài Loan.
Giới truyền thông còn cho biết các tàu đổ bộ đã đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho công tác xây đảo gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc trên các bãi đá có tranh chấp ở Biển Đông gần đây.
Theo Want China Times, USNI News.
Your browser doesn’t support HTML5