Trung Quốc tăng cường theo dõi người Tây Tạng

Các nhà hoạt động tại Ðài Bắc ăn mặc như một binh sĩ Trung Quốc và một nhà sư Tây Tạng để diễn lại cảnh cuộc nổi dậy chống Trung Quốc.

Trung Quốc dường như đang tăng cường việc theo dõi người Tây Tạng, bắt họ phải cung cấp tên thật cho các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và gửi hàng ngàn đảng viên đến các làng xã để quan sát hoạt động của họ.

Tân Hoa Xã hôm thứ Tư nói chính quyền của vùng Tự trị Tây Tạng đã cho đăng ký tên thật của tất cả những người sử dụng Internet và khách hàng dài hạn của các dịch vụ điện thoại di động hay điện thoại cố định trong khu vực quản trị của họ.

Chính quyền nói rằng 2,8 triệu người Tây Tạng sử dụng Internet đã hoàn tất thủ tục đăng ký trước cuối năm 2012 theo đúng luật khu vực.

Tân Hoa Xã trích lời giới chức khu vực là Đới Kiến Quốc nói rằng việc Trung Quốc theo dõi lai lịch những người Tây Tạng sử dụng Internet và điện thoại là cần thiết để ngăn chặn “việc phổ biến bừa bãi những tin đồn trên mạng, dâm thư và các tin rác.”

Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York hôm thứ tư nói Bắc Kinh đã phái hơn 20 ngàn đảng viên Cộng sản đến các làng xã Tây Tạng để “thực hiện công tác theo dõi dân chúng, thi hành việc cải huấn chính trị sâu rộng và thiết lập các đơn vị an ninh đảng.”

Giám đốc HRW ở Trung Quốc, bà Sophie Richardsonn nói với đài VOA rằng những hoạt động như vậy khác hẳn với việc cải thiện mức sống của người Tây Tạng mà Bắc Kinh tuyên bố là một mục tiêu của chương trình ở làng xã, phát động vào năm 2011.

Bà Richardson nói: “Có một chương trình lộ liễu theo dõi quan điểm chính trị của dân chúng, xem họ có hình ảnh của Đức Đạt lai Lạt ma, hay họ có biết gì về những vụ tự thiêu hay không. Tôi cho rằng điều đặc biệt đáng lo ngại là thậm chí trẻ em cũng bị các cán bộ này tra hỏi. Họ cũng thành lập các toán công an giả ở địa phương, nêu lên nhiều thắc mắc về việc liệu những vụ bắt giữ hay tra hỏi đang diễn tiến trên cơ sở luật pháp khách quan hay là theo nghị trình đảng phái.”

Chính phủ Trung Quốc coi Đức Đạt lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, là một phần tử ly khai và một kẻ phản quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ngài chỉ mưu tìm đối thoại nhằm thiết lập quyền tự trị cho Tây Tạng.

Bắc Kinh đã siết chặt an ninh ở các vùng Tây Tạng sau một loạt các cuộc biểu tình tập thể chống chính phủ và bạo động trong năm 2008 chống lại điều mà nhiều người Tây Tạng coi như cuộc đàn áp của Trung Quốc nhắm vào tôn giáo và văn hóa của họ.

Giới hữu trách Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với một đợt ít nhất là 119 vụ tự thiêu của người Tây Tạng để phản đối các chính sách của Bắc Kinh từ năm 2009. Bà Richardson nói các khó khăn đó đã làm chính phủ Trung Quốc có thái độ cứng rắn hơn đối với người Tây Tạng.

Bà nói: “Chúng ta thực sự nhìn thấy chính phủ trung ương và các giới chức địa phương coi người Tây Tạng là tội phạm – khi nói về việc tự thiêu là một hành động phạm tội, bày tỏ sự chỉ trích các chính sách của chính phủ bị xét một cách nghiêm khắc hơn trước. Mức độ theo dõi này chắc chắn xuất phát từ cả hai mối quan ngại đó nhưng cũng còn do cuộc vận động toàn quốc của chính phủ trung ương nhằm duy trì ổn định mà chúng ta đã thấy là gây ra tất cả các loại vấn đề tương tự ở những nơi khác trong nước.”

Trung Quốc nói việc đầu tư to lớn của họ vào hạ tầng cơ sở ở các khu vực người Tây Tạng đã cải thiện đáng kể phẩm chất sinh hoạt của người Tây Tạng trong những năm gần đây.

Xem Phóng sự: Vì sao người Tây Tạng tự thiêu?