Đường dẫn truy cập

HRW: Trung Quốc hạn chế quyền tự do ngôn luận của Tây Tạng


Người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Ðộ biểu tình phản đối Trung Quốc.
Người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Ðộ biểu tình phản đối Trung Quốc.
Một tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho biết một chiến dịch theo dõi của chính phủ Trung Quốc hạn chế tự do bày tỏ ý kiến và tạo ra một bầu không khí sợ hãi tại các làng mạc của người Tây Tạng.

Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói hơn 20.000 đảng viên Đảng Cộng sản trú đóng tại khu vực Tây Tạng “đã theo dõi chặt chẽ người dân, thực hiện việc cải tạo chính trị trên diện rộng, và thành lập những đơn vị an ninh của đảng” trong khuôn khổ của chiến dịch này.

Được biết dưới tên chính thức là “Củng cố Nền tảng, Lợi ích cho Quần chúng”, chiến dịch được thành lập vào năm 2011 với mục đích nâng cao mức sống tại những khu vực nông thôn và “duy trì ổn định xã hội” tại Khu Tự trị Tây Tạng.

Tuy nhiên Human Rights Watch nói mục đích chính của chiến dịch là nới rộng tầm mức và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản và xóa bỏ sự ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo lưu vong của Tây Tạng mà Bắc Kinh xem như là một phần tử đòi ly khai và một người phản bội.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York nói, để làm như vậy, Bắc Kinh hạch hỏi và theo dõi chặt chẽ dân làng Tây Tạng, xếp hạng những người này theo tôn giáo và quan điểm chính trị của họ.

Một dân làng nói với tổ chức nhân quyền này là mỗi người trong làng của ông được xếp thành 3 loại: những người ủng hộ chế độ, những người bí mật tôn sùng Đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng không công khai phản đối, và những người không chấp nhận cải tạo hay ủng hộ Đảng Cộng sản.

Người dân này nói 135 người trong số những người được xếp loại 3 bị bắt đưa vào các trại cải tạo trong 45 ngày vào đầu năm nay. Ông nói có đến 500 người ở một ngôi làng bên cạnh cũng bị bắt đưa đi học tập cải tạo trong cùng thời gian đó.

Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh tại những khu vực của người Tây Tạng tiếp sau một loạt các cuộc biểu tình của quần chúng chống chính phủ và bạo loạn năm 2008 chống lại điều mà nhiều người Tây Tạng xem như là sự đàn áp tôn giáo và văn hóa của họ.

Kể từ năm 2009, các giới chức Trung Quốc tích cực hoạt động để chặn đứng một làn sóng của ít nhất 119 người tự thiêu để phản đối chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng.

Tổ chức nhân quyền nói hậu quả là nhiều người chỉ trích chính sách của nhà nước thường bị bắt giữ vì tội gọi là “âm mưu chia cắt đất nước.”

Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người theo Ngài là muốn tách rời Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần để trấn an Bắc Kinh là Ngài chỉ muốn đối thoại nhằm thiết lập nền tự trị của Tây Tạng.

Giám đốc của Human Rights Watch về Trung Quốc, bà Sophie Richardson nói những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giữ “ổn định” chỉ là “một cách để bạo hành” và “nhằm đàn áp quyền bày tỏ ý kiến của người dân Tây Tạng và gieo rắc sợ hãi.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG