Trung-Mỹ và APEC

  • VOA

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp hình lưu niệm tại Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng ngày 11/11/17.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều tối ngày 11/11 (giờ Việt Nam) đáp máy bay tới Hà Nội dự quốc yến sau một ngày hội họp với giới lãnh đạo Việt Nam.

Trước đó, ông Trump có mặt tại Đà Nẵng tham dự thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC trong chuyến công du Á Châu kéo dài 12 ngày.

Bế mạc cuộc họp hôm 11/11, 21 nền kinh tế thành viên APEC ra thông cáo bày tỏ ủng hộ tự do mậu dịch và các mối quan hệ khắng khít hơn giữa các nước trong khu vực, không nhắc tới chủ thuyết ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump.

Trước đó một ngày, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong các bài phát biểu riêng với lãnh đạo doanh nghiệp ở khu vực, đã đưa ra những quan điểm trái ngược nhau về đường hướng thương mại ở Châu Á.

Ông Trump nói trước thượng đỉnh CEO APEC rằng ông sẵn sàng thương lượng thỏa thuận thương mại tự do với bất kỳ nước nào trong khu vự Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng một mực phản đối các thỏa thuận đa phương như Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP mà ông đã nhanh chóng rút Mỹ ra ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ đầu năm nay.

"Tôi sẽ thương lượng thỏa thuận tự do thương mại song phương với bất cứ nước nào ở Ấn Độ-Thái Bình Dương muốn làm đối tác với chúng tôi và điều đó sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc thương mại công bằng và tương hỗ,” Tổng thống Trump tuyên bố.

“Điều mà chúng tôi sẽ không làm nữa là bước vào các thỏa thuận rộng lớn bó buộc tay chân chúng tôi, dâng hiến chủ quyền của chúng tôi và khiến cho sự thực thi ý nghĩa trở thành bất khả thi trên thực tiễn.”

Tổng thống Mỹ nói trong quá khứ khi Mỹ hạ giảm các rào cản thị trường thì các nước khác lại không mở cửa thị trường cho Mỹ.

Từ nay trở đi, ông Trump khuyến cáo, Mỹ kỳ vọng các đối tác sẽ chân thành tuân thủ luật lệ.

“Chúng tôi kỳ vọng các thị trường sẽ mở rộng bình đẳng cho cả đôi bên và các nguồn đầu tư tư nhân chứ không phải là những nhà hoạch định của nhà nước là nhân tố chỉ đạo đầu tư.”

Nhưng nói dễ hơn làm.

Trung Quốc đã chứng tỏ không có ý định ‘chơi theo luật,’ theo nhận xét của ông Fraser Howie, đồng tác giả quyển sách "Chủ nghĩa tư bản đỏ: Nền tảng tài chính mong manh của sự trỗi dậy phi thường từ Trung Quốc."

Ông nói "Trong khi người Mỹ bước vào WTO thành thật nghĩ rằng Trung Quốc sẽ thay đổi, nhưng người Trung Quốc chẳng bao giờ có ý định thay đổi."

Vẫn theo ông Howie, các vấn đề thương mại và tiếp cận rất khó khăn và phức tạp và cho tới nay Tổng thống Trump chưa ‘lập thành tích’ theo đuổi trót lọt các đề xuất của mình, chẳng hạn như lệnh cấm du hành, bức tường biên giới chặn di dân bất hợp pháp, vấn đề cải tổ luật chăm sóc sức khỏe hay chính sách cải cách thuế.

"Ừ thì sẽ mạnh tay với Trung Quốc, nhưng mạnh tay thế nào mà không phải trừng phạt họ? Làm sao phạt Trung Quốc khi Tập Cận Bình là người bạn tốt nhất của anh? Không hợp lý,” ông Howie nói.

Chủ tịch Tập, lãnh đạo của đất nước mà sự trỗi dậy của quốc gia này phần lớn dựa vào kế hoạch vĩ mô của nhà nước, đã ‘theo sát’ ông Trump trên bục diễn thuyết ở Đà Nẵng.

Trong khi ông Trump cổ võ đàm phán thương mại song phương, ông Tập tán dương quan điểm đa phương và đặc biệt kêu gọi ủng hộ Hiệp định Vùng Tự do Thương mại Châu Á-Thái Bình Dương FTAAP, hiệp định mà ông nói có thể dung hòa các hiệp ước kinh tế song phương và khu vực.

Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP thoạt tiên do Mỹ dẫn đầu, nhưng không có mặt Trung Quốc, một phần nhằm để đối lại với các tham vọng chiến lược của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc nói toàn cầu hóa là một xu hướng không thể đảo ngược nhưng thế giới cần phải nỗ lực để làm cho xu hướng này cân bằng và mở rộng cho nhiều thành phần tham gia.

Các bài diễn văn của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump rời Bắc Kinh với rất nhiều các cuộc hội họp với ông Tập hồi thứ tư và thứ năm vừa qua.