Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đi thăm Pakistan vào tuần tới, nơi hai nước dự trù sẽ đồng ý về những thỏa thuận kinh tế và năng lượng trị giá trên 40 tỷ đôla. Các nhà lãnh đạo nêu bật sự kiện chuyến đi sẽ gây chuyển biến cho mối bang giao để tập trung nhiều hơn vào phát triển kinh tế, nhưng cũng có thể có những ảnh hưởng đáng kể đối với những thách thức về an ninh ở cả hai nước. Thông tín viên VOA Bill Ide tường trình từ Bắc Kinh.
Chuyến công du Pakistn của chủ tịch Tập Cận Bình là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc từ 9 năm nay. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lưu Kiến Siêu nói sự kiện đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm nay nêu bật tầm quan trọng mà Bắc Kinh gán cho việc phát triển bang giao giữa Trung Quốc và Pakistan.
Ông Lưu nói chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình “sẽ tìm cách đề ra một kế hoạch toàn diện cho mối bang giao Pakistan-Trung Quốc và công cuộc hợp tác trong thời gian 5 đến 10 năm tới và nâng mối quan hệ lên một tầm vóc mới.”
Trong chuyến thăm này, hai bên dự kiến sẽ ký các thỏa thuận, trong đó có nhiều thỏa thuận tập trung vào việc thành lập một dự án quy mô lớn mà hai nước gọi là Hành lang Kinh tế Pakistan-Trung Quốc. Hành lang này tìm cách nối liên vùng Tân Cương phía tây hẻo lánh và hay có biến động của Trung Quốc với cảng nước sâu Gwadar của Pakistan trong vùng Biển Ả Rập.
Ngoài việc xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ và các cơ sở hạ tầng khác, hai bên cũng sẽ ký các thỏa thuận tập trung vào năng lượng, tài chính và khoa học kỹ thuật. Theo các bản tin của giới truyền thông, các dự án vừa kể có thể lên tới 46 tỷ đôla, một khoản tiền khổng lồ đối với nền kinh tế chật vật của Pakistan.
Kể từ năm 2009, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Pakistan khoảng 5 tỷ đôla viện trợ dân sự.
Một người phát ngôn của chính phủ Pakistan nói chuyến thăm sẽ đánh dấu một sự chuyển biến về quan hệ từ một mối quan hệ chiến lược toàn cầu qua một hình thức mới của quan hệ kinh tế giữa hai nước. Nhưng khía cạnh an ninh của mối quan hệ cũng dự kiến sẽ đào sâu thêm.
Trung Quốc và Pakistan lâu nay vẫn có các mối quan hệ vững chăc về an ninh và quân sự. Bắc Kinh là nước lớn nhất cung cấp khí tài cho Pakistan và mới đây tin tức đã tiết lộ những kế hoạch cho thấy Islamabad đang tìm cách mua 8 chiếc tàu ngầm của Trung Quốc, một khí cụ chủ yếu trong cuộc đối đầu lâu dài của Islamabad với New Delhi.
Về phía Bắc Kinh, giới hữu trách đang hết sức lo ngại về tình hình bất ổn ở Tân Cương, là nơi sinh cư của khối thiểu số người Uighur theo Hồi giáo, lâu nay vẫn mưu tìm sự hỗ trợ cho Pakistan để giải quyết vấn đề.
Giới chỉ trích nói chính những hạn chế áp bức của chính phủ Trung Quốc đối với các tập tục tôn giáo và văn hóa của người Uighur đã châm ngòi cho bạo động. Nhưng Bắc Kinh lại liên kết những vụ tấn công bạo lực ở Tân Cương và những nơi khác trong nước với một nhóm được cho là có cứ địa trong những vùng bộ tộc dọc theo biên giới giáp với Afghanistan.
Trợ lý ngoại trưởng Lưu Kiến Siêu nói Pakistan từng cung cấp tình báo và hỗ trợ cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại tổ chức gọi là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan hay ETIM. Nhóm này mưu tìm sự độc lập cho Tân Cương mà họ gọi là Đông Turkestan.
Ông Lưu nói có một con số đáng kể thành viên của nhóm này ở Pakistan.
Ông Lưu nói “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan là một kẻ thù của cả hai quốc gia và chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với nhau để chống lại các phần tử khủng bố, kể cả những người có liên hệ với ETIM.” Ông Lưu nói thêm rằng “chống khủng bố là có lợi cho cả hai nước.”
Trong khi Trung Quốc và Pakistan thúc đẩy các kế hoạch ồ ạt cho hành lang kinh tế, có phần chắc sẽ có những thách thức về an ninh. Những vụ tấn công khủng bố bạo động thường xảy ra ở Pakistan và tin ghi nước này sẽ cung cấp khoảng 12 ngàn lực lượng an ninh để góp phần bảo vệ công nhân Trung Quốc trong các dự án.
Giải quyết những vấn đề an ninh ở Pakistan nằm trong khuôn khổ động cơ của Trung Quốc nhằm quảng bá cho dự án, theo ông Hoo Tiang Boon, một trợ lý giáo sư trong chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore:
“Khái niệm là họ muốn tăng cường phát triển kinh tế ở Pakistan. Và nếu kinh tế Pakistan phát triển, thì sẽ giúp giảm thiểu vấn đề khủng bố.”
Ông Hoo nói trong khi đó là lô-gic rộng lớn và ý đồ của kế hoạch, điều kém chắc chắn hơn là liệu kế hoạch có đạt được thành quả hay không.