Trung Quốc đánh dấu 24 năm biến cố Thiên An Môn

Nhân viên an ninh kiểm tra thẻ căn cước của du khách tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 4/6/2013.

Trung Quốc đánh dấu năm thứ 24 cuộc đàn áp đẫm máu Thiên An Môn giữa các biện pháp an ninh chặt chẽ tại Bắc Kinh và kiểm duyệt gắt gao Internet.

Nhà cầm quyền mỗi năm đều ra sức ngăn ngừa những hoạt động tưởng niệm và cấm thảo luận công khai việc dùng quân đội đàn áp tàn bạo vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, chấm dứt những cuộc biểu tình đòi dân chủ kéo dài nhiều tuần lễ.

Hôm thứ Sáu, cảnh sát được bố trí tại Quảng trường Thiên An Môn và những khu vực trọng yếu khác để ngăn ngừa những cuộc biểu tình có thể xảy ra.

Nhiều nhà hoạt động đã bị bắt, bị giam giữ tại gia hay bị theo dõi chặt chẽ trong thời gian dẫn đến ngày kỷ niệm nhạy cảm này.

Nhân viên kiểm duyệt của chính phủ cũng tích cực hoạt động để lọc bỏ các tin tức liên quan đến Thiên An Môn trên các mạng xã hội.

Trên trang mạng Sina-Weibo được ưa chuộng của Trung Quốc, việc tìm kiếm những từ có liên quan đến Thiên An Môn đều bị ngăn chặn.

Trang này cũng gỡ bỏ một biểu tượng là đèn cầy được nhiều người sử dụng trong các buổi lễ tưởng niệm trong không gian ảo.

Để tránh những hạn chế này, nhiều người Trung Quốc thay vào đó đã đưa lên mạng hình ảnh của đèn cầy, hay đề cập một cách mỉa mai đến ngày 35 tháng 5, hơn là dùng ngày 4 tháng 6 - việc tìm kiếm cụm từ này trên mạng cũng bị ngăn chặn.

Những người khác khuyến khích người dân mặc trang phục màu đen như là một biểu tượng để tang các nạn nhân của biến cố Thiên An Môn.

Đã 24 năm kể từ khi quân đội Trung Quốc được xe tăng yễm trợ tiến vào quảng trường để dẹp tan một cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu tại Thiên An Môn. Việc đàn áp này bị toàn thế giới lên án và số người thiệt mạng từ vài trăm lên đến vài ngàn.

Trung Quốc vẫn xem biến cố này là “một vụ bạo loạn phản cách mạng” và chưa bao giờ công nhận sai lầm trong việc xử lý vụ nổi dậy. Trung Quốc cũng chưa bao giờ tiết lộ con số tử vong chính thức hay những chi tiết khác về vụ đàn áp. Việc này cũng không được truyền thông nhà nước loan tải.

Cuối tháng qua, Bộ Ngoại giao Mỹ lại kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt quấy rầy những người tham dự cuộc biểu tình và cho biết rõ đầy đủ chi tiết những người bị giết, bị bắt giữ hay mất tích".