Trung Quốc đâm tàu Việt Nam gần Hoàng Sa

Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy các thủy thủ Việt Nam đứng gần mạn tàu bị rách sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào, ngày 7/5/2014.

Việt Nam tuyên bố các tàu Trung Quốc canh gác một giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa đã nhiều lần đâm vào tàu tuần của Việt Nam trong lúc căng thẳng leo thang tại Biển Ðông. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown gửi về bài tường thuật cho đài VOA.

Các giới chức Việt Nam đã công bố một băng video cho thấy tàu hải quân Trung Quốc đâm vào các tàu của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Ðông.

Hồi cuối tuần qua, Trung Quốc đã dựng một giàn khoan gần quần đảo có tranh chấp, một khu vực cả hai nước nhận chủ quyền. Phó chủ nhiệm ủy ban biên giới Việt Nam Trần Duy Hải nói có tới 80 chiếc tàu Trung Quốc, kể cả 7 tàu quân sự, được bố trí để canh gác giàn khoan.

Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu nói các tàu Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam và dùng vòi rồng phun vào tàu Việt Nam

Cục An toàn Hàng Hải Trung Quốc loan báo trên trang web của cục hôm thứ bảy rằng tất cả tàu thuyền phải ở cách giàn khoan 1,6 kilomet, và hôm thứ hai còn mở rộng khoảng cách đó tới 5 kilomet.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh đã yêu cầu Việt Nam đình chỉ mọi hành vi gây rối các hoạt động hợp pháp của các công ty Trung Quốc trong lãnh hải của họ.


Giàn khoan trị giá 1 tỷ đôla thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty Dầu khí Quốc doanh Trung Quốc CNOOC, và đã khoan dầu ở phía nam Hong Kong.

Hôm chủ nhật, Việt Nam nói giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và ở trên thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 220 kilomet.

Trước đó trong ngày thứ tư, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh có 'quyền tiến hành các hoạt động khoan dầu trong lãnh hải Trung Quốc'.

Bà Hoa nói chính phủ đã yêu cầu Việt Nam đình chỉ mọi hành vi gây rối các hoạt động hợp pháp của các công ty Trung Quốc trong lãnh hải của họ.

Hôm thứ ba, Hoa Kỳ đã đưa ra ý kiến về vụ tranh chấp. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki gọi quyết định của Trung Quốc cho giàn khoan hoạt động ở lãnh hải có tranh chấp là 'khiêu khích và không giúp ích cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực'.

Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun thẳng vào tàu Việt Nam, ngày 7/5/2014.


Nữ phát ngôn viên Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói các hoạt động hợp pháp của các công ty Trung Quốc 'không can hệ gì đến Việt Nam và càng không có can hệ gì với Hoa Kỳ'.

Nhà chức trách Việt Nam nhấn mạnh rằng họ đang mưu tìm các phương tiện ôn hòa để giải quyết vụ tranh chấp.

Các giới chức Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay họ đã tiếp xúc với giới hữu trách Trung Quốc 8 lần về vấn đề này, với các cuộc họp ở Hà Nội và Bắc Kinh.

Bắc Kinh nhận chủ quyền gần như toàn bộ Biển Ðông, gồm các tuyến hàng hải quan trọng và được cho là phong phú về trữ lượng dầu khí.

Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei cũng nhận chủ quyền các khu vực khác nhau, cùng với Ðài Loan. Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa trước đó do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát hồi tháng giêng năm 1974.

Video Trung Quốc đâm tàu kiểm ngư Việt Nam ở Biển Ðông