Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển hay đã phát triển, từ lâu đã là đề tài tranh luận giữa các nhà nghiên cứu và giới chuyên gia về Trung Quốc - đặc biệt khi Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và trở thành một cường quốc sản xuất toàn cầu.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ở Johannesburg, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “Trung Quốc đã và sẽ luôn là thành viên của [các] nước đang phát triển”.
Tuy nhiên, tại Washington, các nhà lập pháp tại Quốc hội đã đưa ra luật yêu cầu chính quyền Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình trong các tổ chức quốc tế để tước bỏ tư cách là một quốc gia đang phát triển của Trung Quốc.
Cuộc tranh luận nghe có vẻ hàn lâm nhưng nó có ý nghĩa thực tế. Những lợi ích đi kèm với nhãn hiệu quốc gia đang phát triển bao gồm ưu đãi thuế quan từ các nước phát triển, giúp hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Trung Quốc cũng sử dụng vị thế đang phát triển của mình để biện minh cho việc trợ cấp cho các ngành công nghiệp như đánh cá và công nghệ, cho dù nhiều ngành do nhà nước sở hữu và có tác động toàn cầu.
Tình trạng phát triển của một quốc gia được xác định theo nhiều cách khác nhau bởi các tổ chức quốc tế khác nhau. Ví dụ, Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép các quốc gia tự xác định là “đang phát triển” hoặc “đã phát triển”.
Các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sử dụng nhiều số liệu khác nhau để đo lường mức sống của một quốc gia, sử dụng các chỉ số như thu nhập quốc dân bình quân đầu người, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người, tuổi thọ và các chỉ số về giáo dục.
Weifeng Zhong, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Mercatus của đại học George Mason, nói với VOA rằng đây là những cách khác nhau để cố gắng đo lường cùng một thứ.
“Tôi nghĩ vấn đề nằm ở mức độ bình quân đầu người - nghĩa là mỗi người - thu nhập cao như thế nào, vì vậy khi thu nhập quốc dân bình quân đầu người ở một quốc gia đủ cao, chúng tôi nghĩ họ là quốc gia đã phát triển chứ không phải quốc gia đang phát triển,” ông Zhong nói.
Trung Quốc được phân loại như thế nào?
Bắc Kinh tự xếp mình là quốc gia “đang phát triển” trong WTO. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc xếp Trung Quốc là quốc gia có “thu nhập trung bình cao”, trong khi Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF gọi nước này là “nền kinh tế mới nổi và đang phát triển”.
“Chúng ta có một đất nước có nhiều đặc điểm của một quốc gia đang phát triển và có đủ tiêu chuẩn về mặt lịch sử là một quốc gia đã phát triển và về mặt kỹ thuật vẫn đủ tiêu chuẩn là một quốc gia đang phát triển, nhưng cũng có nhiều đặc điểm của một nền kinh tế tiên tiến giàu có và theo cách nào đó là một nền kinh tế giàu có tiên tiến lớn,” ông Philippe Benoit, giám đốc nghiên cứu Phân tích Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu và Tính bền vững 2050, nói với VOA.
Trung Quốc cũng thách thức việc phân loại dựa theo một chỉ số thường được sử dụng khác – mức tiêu thụ năng lượng. Ông Benoit nói: “Vì lý do cơ cấu, nhu cầu năng lượng, việc sử dụng năng lượng ở Trung Quốc sẽ tăng trong một số năm cho đến khi họ đạt được mức độ phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người cho phép họ đạt được mức đó”.
Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc đã thúc đẩy nhà nước tìm kiếm nguồn lực ở các nước đang phát triển nghèo hơn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thường hành xử như một quốc gia đã phát triển trên bình diện quốc tế. Nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là Mỹ Latin, Châu Phi và Trung Á, dựa vào Trung Quốc để được hỗ trợ phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng.
Ông Benoit gọi Trung Quốc là “siêu cường hai thì”. Ông nói triển vọng sức mạnh toàn cầu của nước này xấp xỉ sức mạnh của một siêu cường truyền thống và nó thể hiện những đặc điểm của một quốc gia đã phát triển như các khoản đầu tư lớn vào công nghệ và đường sắt cao tốc. Trung Quốc cũng có các thành phố phát triển cao như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhưng ông nói thêm, Trung Quốc cũng có những đặc điểm của một quốc gia đang phát triển, chẳng hạn như tình trạng nghèo đói dai dẳng ở nhiều khu vực trong nước. Năm 2019, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận thấy hơn 35% dân số Trung Quốc vẫn thiếu công nghệ nấu ăn sạch và phụ thuộc vào các loại nhiên liệu gây ô nhiễm cao như than đá.
“Điều chúng tôi muốn nói khi gọi là đang phát triển nghĩa là một quốc gia phải đối mặt với những vấn đề nghèo đói nghiêm trọng - nơi không có đủ khả năng tiếp cận với nước, vệ sinh, giao thông, giáo dục - những quốc gia có mức sống cơ bản nhìn chung là thấp một cách không thể chấp nhận,” ông Benoit nói.
Ông Robert Ross, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston kiêm phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John King Fairbank thuộc Đại học Harvard, nói với VOA rằng việc phân loại các quốc gia đang phát triển không còn phù hợp với thực tế kinh tế do việc giảm nghèo cùng cực và vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai của Trung Quốc và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Ông Ross nói: “Nhiều người Trung Quốc thừa nhận ‘việc coi chúng tôi là một quốc gia đang phát triển là vô nghĩa’ và họ sẽ thừa nhận rằng điều đó phá hoại cả lợi ích của các nước đang phát triển và mang lại cho họ những lợi thế không công bằng trong nền kinh tế nội địa Mỹ”.
Quan hệ Mỹ-Trung
Nghi vấn về tình trạng phát triển của Trung Quốc đã làm tăng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Vào tháng 3 năm nay, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một dự luật mang tên “Đạo luật về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Không phải là Quốc gia Đang phát triển.”
Vào ngày 8/6, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận dự luật, hiện được đổi tên thành “Đạo luật Chấm dứt Tình trạng Quốc gia Đang phát triển của Trung Quốc.” Ủy ban kêu gọi Bộ Ngoại giao “thực hiện các hành động để ngăn chặn việc Trung Quốc được các tổ chức quốc tế xếp vào danh sách quốc gia đang phát triển”. Chưa có ngày nào được ấn định để toàn bộ Thượng viện bỏ phiếu về dự luật này.
Đáp lại việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ chấp thuận dự luật vừa kể, ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc Mỹ đang cố gắng phá hoại sự phát triển của Trung Quốc.
Ông Uông nói trong cuộc họp báo ngày 9/6: “Vị thế của Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới bắt nguồn từ thực tế và luật pháp quốc tế. Đó không phải là điều có thể dễ dàng bị xóa bỏ bởi một dự luật của Quốc hội Hoa Kỳ”. Ông nói thêm: “Mỹ không có quyền quyết định liệu Trung Quốc có phải là một quốc gia đang phát triển hay không”.
Ông Ross cho biết tình trạng phát triển của Trung Quốc “không phải là một câu hỏi quan trọng”, mà là vấn đề chính trị giữa hai siêu cường cạnh tranh.
“Trung Quốc đang chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc, và cùng với đó, Hoa Kỳ có một cuộc chiến thương mại và một cuộc chiến công nghệ nhằm làm suy yếu sự phát triển kinh tế và phát triển công nghệ của Trung Quốc. Về phần Trung Quốc – đó là phần đang cạnh tranh với Hoa Kỳ – họ sẽ sử dụng mọi công cụ có sẵn để cải thiện vị thế của mình.”
Với việc nhiều quốc gia đang phát triển được hưởng lợi từ đầu tư và thương mại của Trung Quốc, ông Ross cho biết những quốc gia này khó có thể tán thành những nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi tình trạng phát triển của Trung Quốc, đặc biệt vì họ coi vấn đề này là một cuộc khẩu chiến chính trị giữa hai siêu cường.