Việc một công ty ủy thác hàng đầu Trung Quốc không thanh toán đúng hạn cho các sản phẩm đầu tư và giá nhà giảm càng làm tăng thêm lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc của Trung Quốc đang bóp nghẹt động lực ít ỏi còn lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Zhongrong International Trust Co., công ty trước giờ có nhiều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đã không thanh toán đúng hạn cho hàng chục sản phẩm đầu tư kể từ cuối tháng trước, một quan chức cấp cao nói với các nhà đầu tư tức giận.
Khu vực ngân hàng phi chính thức của Trung Quốc có trị giá 3 nghìn tỷ đô la, và trong năm qua người ta ngày càng lo ngại hơn về việc lượng tiền lớn quá từ khu vực này đổ vào bất động sản và rủi ro đối với nền kinh tế nói chung.
Một loạt các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực ngân hàng phi chính thức có thể có tác động đáng sợ trên diện rộng vì nhiều nhà đầu tư riêng lẻ bỏ tiền vào các sản phẩm ủy thác có lợi tức cao.
Các khoản thanh toán trễ hạn đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng vốn đã mong manh khi thiếu vắng các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Bắc Kinh.
Barclays nằm trong số các ngân hàng toàn cầu đã đưa ra con số dự báo mới ở mức thấp hơn về tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 sau khi số liệu xấu được công bố hôm 15/8, với lý do thị trường nhà ở xấu đi nhanh hơn dự kiến. Ngân hàng này đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 4,9% xuống 4,5%.
Việc cắt giảm lãi suất bất ngờ của ngân hàng trung ương Trung Quốc cùng ngày không đủ để chặn vòng xoáy suy giảm của nền kinh tế, một số phân tích gia nhận định.
Một số nhà kinh tế nói rằng nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ có thể đã cảm thấy khốn khó không khác gì đang trong suy thoái, do tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ hiện ở mức kỷ lục là trên 21% và áp lực giảm phát làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty. Các khoản vay mới từ ngân hàng vào tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm.
Cho đến nay, nhìn chung, Trung Quốc đã xoay sở thành công để tránh cho khủng hoảng nợ trong khu vực bất động sản lan sang ngành tài chính trị giá 57 nghìn tỷ đô la của nước này mặc dù ngày càng có nhiều công ty xây dựng nhà cửa không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Ngay cả sau những cải cách sâu rộng trong những thập kỷ qua, Bắc Kinh vẫn kiểm soát mạnh mẽ lĩnh vực ngân hàng và thị trường tài chính trong nước. Nhưng tin tức về các vụ vỡ nợ mới đã gây ra nỗi sợ về phản ứng dây chuyền.
Tình hình càng thêm ảm đạm khi giá nhà mới của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm lần đầu tiên trong năm nay, số liệu mới nhất trong chuỗi dữ liệu bi quan vốn cho thấy sự cấp bách cần phải có chính sách hỗ trợ táo bạo hơn.
Giá nhà giảm 0,2% so với tháng trước trên toàn quốc và 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS).
Nhưng tình hình còn tồi tệ hơn nhiều ở các nơi khác bên ngoài các siêu đô thị như Thượng Hải và Bắc Kinh. Giá nhà mới trung bình tại 35 thành phố nhỏ nhất được NBS khảo sát trong tháng 6 đã giảm tháng thứ 17 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc khủng hoảng nợ ngày càng tồi tệ ở các công ty xây dựng lớn bao gồm Country Garden, hãng xây dựng tư nhân số một của Trung Quốc, đã khiến nhiều người sợ hãi không dám mua, với đầu tư bất động sản, doanh số bán nhà và xây dựng mới giảm trong hơn một năm.
Do thị trường bất động sản trước giờ chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, một số nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm này, cùng với cú sốc zero COVID trong ba năm qua, đã có tác động chưa từng có đối với hoạt động trong ngành.
Hầu hết các nhà phân tích dự đoán giá nhà và doanh số bán nhà ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Diễn đàn