Nền kinh tế Thái Lan đang có dấu hiệu hồi phục một cách khiêm tốn trong năm 2016, nhưng hãy còn chịu tác động của những bất định về chính trị trong khi cử tri nước này đang chuẩn bị đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về một hiến pháp mới vào ngày 7 tháng 8 tới đây.
Ảnh hưởng và quyền lực của quân đội sẽ tiếp tục
Cuộc trưng cầu dân ý sẽ quyết định liệu cử tri Thái Lan có ủng hộ một hiến pháp mới, thúc đẩy ảnh hưởng chính trị lớn hơn cho quân đội hay không sau các cuộc bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức vào năm sau.
Hiến pháp mới sẽ bao gồm một thượng viện với 250 thành viên do quân đội bổ nhiệm bên cạnh một hạ viện với 500 dân biểu dân cử.
Vẫn chưa rõ mức độ ủng hộ của công chúng ra sao đối với bản hiến pháp mới này.
Các tổ chức dân sự vẫn chỉ trích việc quân đội hậu thuẫn tiến trình chọn một thủ tướng mới thông qua một phiên họp chung của lưỡng viện thay vì do đảng đắc cử hay một liên minh với số phiếu ủng hộ cao nhất.
Bà Krystal Tan, một nhà kinh tế thuộc công ty tư vấn Capital Economics ở Singapore, cho biết giới đầu tư vẫn lo ngại trước tình hình bất định ở Thái Lan nếu cuộc trưng cầu dân ý không chấp thuận bản hiến pháp.
Bà nói với VOA:
"Mọi người đang theo dõi chuyện gì sẽ xảy ra với cuộc trưng cầu dân ý này và vấn đề là không rõ chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo nếu cuộc trưng cầu dân ý không chấp thuận hiến pháp. Trong trường hợp đó, những cuộc bầu cử, theo dự kiến sẽ được tổ chức vào năm sau, sẽ bị trì hoãn thêm nữa. Và quân đội sẽ nắm quyền kiểm soát trong một thời gian vô hạn định."
Kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2014, mức tăng trưởng của Thái Lan lâm vào cảnh khó khăn, chỉ đạt khoảng 3,5 phần trăm, dưới mức bình thường. Giới chức ngân hàng trung ương Thái Lan dự báo tình hình kinh tế sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2016. Dự báo cũng cho biết chi tiêu công và thu nhập từ du lịch sẽ gia tăng.
Nhưng đầu tư tư nhân, một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục ì ạch. Năm 2015, đầu tư tư nhân chỉ tăng 1,5 phần trăm, và những chuyên gia dự báo nó sẽ thu hẹp hai phần trăm trong năm nay.
Những hồ sơ xin đầu tư mới thông qua Hội đồng Đầu tư (BOI) do nhà nước điều hành đã giảm gần 90 phần trăm kể từ năm 2014 tới năm ngoái và có giá trị chỉ ở mức 6,23 tỉ đôla.
Đầu tư nước ngoài
Cuộc trưng cầu dân ý đã tạo nên những bất định mới cho những nhà đầu tư nước ngoài chủ chốt như Nhật Bản, theo lời ông Chris Baker, một nhà bình luận về kinh doanh ở Thái Lan.
Ông nhận định:
"[Cuộc trưng cầu dân ý] chắc chắn gây nên bất định và trong tất cả những khía cạnh đối với những nhà đầu tư nước ngoài thì đó là khía cạnh hệ trọng nhất, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng đối với người Nhật nói riêng, họ không xem chế độ quân sự này là một chính phủ thường trực, họ muốn thấy một chính phủ tồn tại lâu dài để có thể tham gia đàm phán nghiêm túc."
Những nhà kinh tế thuộc Ngân hàng United Overseas ở Thái Lan nói rằng tình trạng ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm những định chế vững chãi và ổn định chính trị là điều thiết yếu để bảo đảm đầu tư liên tục vào nước này.
Giữa sự bất định về chính trị, chi tiêu hàng tiêu dùng cũng đã chậm lại. Thái Lan báo cáo nhu cầu thấp hơn đối với hàng nhập khẩu, cho phép nước này báo cáo thặng dư trong những khoản thanh toán quốc tế của mình.
Ở vùng nông thôn, Ngân hàng Trung ương Thái Lan nói rằng có những lo ngại về mức nợ hộ gia đình ở những nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài hai năm qua và giá cả hàng hóa quốc tế yếu kém. Nợ hộ gia đình ở Thái Lan đã vượt quá 80 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội.
Tương lai mờ mịt
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy số cử tri chưa quyết định nên ủng hộ hay chống đối dự thảo hiến pháp mới còn rất cao.
Nhưng ông Supavud Saicheua, Giám đốc điều hành của Phatra Securities, nói trong khi chưa biết rõ kết quả cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến quân đội Thái Lan sẽ tiếp tục hiện diện và nắm giữ quyền lực trong tương lai gần.
Ông Supavud nhận định:
“Có lập luận cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý không mấy quan trọng, tôi đồng ý một phần với lập luận đó theo nghĩa là, bất kể chúng ta nói gì trong cuộc trưng cầu dân ý, chính phủ vẫn muốn điều mà họ muốn và sẽ làm điều mà họ muốn làm. Thế cho nên nếu dân nói 'không', chính phủ sẽ nói họ vẫn thích hiến pháp này và chúng ta sẽ viết cái gì tương tự như những gì đang được trình bày bây giờ.”
Trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất của mình, Hội đồng Quốc gia Phát triển Kinh tế Xã hội (NESDB), là viện nghiên cứu chính sách do nhà nước điều hành, đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm là 5% cho thời gian từ năm 2017 tới năm 2021.
Các chiến lược phát triển chủ yếu được cho là sẽ tập trung vào nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách thu nhập, bảo tồn tài nguyên quốc gia, và nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.
Nhưng các nhà phân tích của Capital Economics tỏ ra bi quan về triển vọng kinh tế của Thái Lan. So với các nền kinh tế Đông Nam Á, họ cho rằng nền kinh tế Thái Lan có nhiều phần chắc sẽ là “nền kinh tế kém hiệu năng nhất trong trung hạn” trong bối cảnh bất ổn chính trị hiện tại.
Giới phân tích nói rằng quân đội Thái Lan đã thất bại, không giải quyết được những sự chia rẽ chính trị quá trầm trọng, và các cuộc tổng tuyển cử sắp tới có khả năng dẫn tới “thêm một đợt bất ổn chính trị khác nữa.”