Đường dẫn truy cập

Thái Lan đi về đâu sau cuộc trưng cầu dân ý?


Quân đội Thái Lan lên cầm quyền kể từ năm 2014 và đã kiểm soát chặt chẽ việc tranh luận về dự thảo. (Ảnh tư liệu)
Quân đội Thái Lan lên cầm quyền kể từ năm 2014 và đã kiểm soát chặt chẽ việc tranh luận về dự thảo. (Ảnh tư liệu)

Khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan đủ điều kiện sẽ quyết định về tương lai của bản dự thảo hiến pháp mới nhất của nước này. Hiến pháp này được cho là điều thiết yếu trong lộ đồ của chính phủ dẫn tới một cuộc tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn không chắc chắn, vì các cuộc thăm dò cho thấy, trong khi có sự hậu thuẫn, vẫn có tới 60% cử tri chưa quyết định ủng hộ hay phản đối trong cuộc bỏ phiếu ngày 7 tháng 8.

Quân đội Thái Lan lên cầm quyền kể từ năm 2014 và đã kiểm soát chặt chẽ việc tranh luận về dự thảo, bắt giữ hàng chục người vận động bỏ phiếu ‘không’, thường là sinh viên, cùng với việc bố ráp một số cơ quan báo chí.

Hiện có nhiều đồn đoán cho rằng hiến pháp mới sẽ cắt giảm các dịch vụ y tế công, nhưng tất cả đã bị chính phủ bác bỏ.

Trong những tuần lễ gần đây, quân đội đã cho phép thảo luận về hiến pháp trên đài truyền hình của nhà nước là TPBS.

Chính phủ quân sự đã thúc đẩy người dân đi bầu, nhưng các nhà phân tích nói ít có cử tri đọc hết 279 điều khoản của hiến pháp trước khi trả lời ‘có’ hay ‘không’.

Ông Gothom Arya, một cựu thành viên của uỷ ban bầu cử và là giảng viên đại học, nói rằng người dân không có đủ thông tin về hiến pháp vì các cuộc tranh luận bị giới hạn và vì những vụ bắt bớ những người vận động cho bỏ phiếu ‘không’.

Ông Arya nói với Đài VOA:

“Có thể nói họ đe dọa những người cố vận động bỏ phiếu không. Đây là loại tự do ngôn luận gì mà người ta không thể nói không và bạn không thể vận động cho quan điểm của mình.”

Vụ bắt giữ ít nhất 68 người vận động bỏ phiếu ‘không’ đã làm cho chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về tự do ngôn luận và biểu đạt ý kiến, ông David Kaye, lên án những hành động này. Ông nói chính phủ nên cho phép những “cuộc tranh luận mạnh mẽ” về hiến pháp.

Quân đội đã áp dụng luật hậu thuẫn trưng cầu dân ý để hình sự hóa những người vận động bỏ phiếu ‘không’ bằng cách phạt tiền và giam giữ đến 10 năm.

Dự thảo hiến pháp, nếu được thông qua, sẽ củng cố ảnh hưởng của quân đội trong quốc hội mới.

Bản dự thảo hiến pháp đề nghị quy định kiểm soát chặt chẽ hơn việc bầu các chính trị gia trong Hạ viện gồm 500 thành viên và 250 thành viên được chỉ định trong thượng viện gồm có những lãnh tụ quân đội chính trong thời gian 5 năm chuyển tiếp, đã gây nên những chỉ trích. Hai viện quốc hội sẽ bầu tân thủ tướng, chứ không phải do đảng có đa số trong hạ viện bầu ra.

Ông Kraisak Choonhavan, một đảng viên của Đảng Dân chủ và là cựu Thượng nghị sĩ, cho rằng lập trường cứng rắn của quân đội có thể gây ra phản ứng dữ dội của quần chúng.

Ông Kraisack nói với Đài VOA:

“Việc đàn áp thảo luận tự do ngay từ lúc đầu và chỉ cho phép thảo luận hạn chế trên truyền hình với 3 hay 4 người thảo luận về dự thảo hiến pháp sẽ gây nên phản ứng dữ dội của công chúng đối với chế độ và người dân cuối cùng sẽ không tham dự cuộc trưng cầu dân ý. Làm thế nào ta có thể bỏ phiếu nếu ta không biết ta bỏ phiếu cho cái gì và không ai biết nội dung của dự thảo hiến pháp này cả.”

Đảng Dân chủ, đảng lâu đời nhất của Thái Lan, không ủng hộ dự thảo hiến pháp. Ông Abhisit Vejjajiva lãnh tụ của đảng này nói rằng hiến pháp mới sẽ không chấm dứt xung đột chính trị đã ảnh hưởng đến Thái Lan trong thập niên qua vì người dân ít có vai trò trong chính quyền.

Đảng Pheu Thai, được cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra và gia đình ông hậu thuẫn, cũng kêu gọi cử tri bác bỏ dự thảo hiến pháp. Em gái ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, từ chức thủ tướng ít lâu trước cuộc đảo chánh quân sự năm 2014.

Ông Samarn Lertwongrath, một nhân vật cao cấp trong Đảng Pheu Thai, nói rằng những cuộc thăm dò của đảng cho thấy có một kết quả khít khao trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 7 tháng 8 và rằng ông nghi ngờ quân đội.

Ông Samarn nói với Đài VOA:

“Theo các cuộc thăm dò của chúng tôi, cuộc trưng cầu dân ý rất khít khao. Do đó tôi nghĩ tiên đoán kết quả với các quân nhân xảo quyệt như thế này, họ có thể gian lận trong mọi chuyện, thì chúng tôi phải chờ xem, chứ chúng tôi có thể làm gì được đâu? Nhưng kết quả rất khít khao.”

Thái Lan đã trải qua nhiều năm xung đột chính trị và các cuộc biểu tình phần lớn giữa tầng lớp nông thôn và công nhân ủng hộ ông Thaksin, và giai cấp trung lưu thành thị và những thành phần ưu tú khác, trong đó có các thành viên của đảng Dân chủ.

Ông Panitan Wattanayagorn, một nhà khoa học chính trị và cố vấn cho chính phủ, tin là quần chúng ủng hộ hiến pháp, và tỏ ra dè dặt sau nhiều năm xáo trộn chính trị.

Các nhà phân tích nói quân đội muốn duy trì ảnh hưởng nhằm đưa đất nước trải qua thời kỳ thừa kế vương quyền trong hoàng gia vì sức khỏe của vị Vua được dân chúng tôn sùng, ông Bhumipol Adulyadej, đang suy giảm.

Hơn 10.000 cảnh sát sẽ được triển khai trong ngày trưng cầu dân ý. Uỷ ban bầu cử đã in hơn 54 triệu lá phiếu để cử tri chọn lựa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG