Hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã khởi hành chuyến công du nước ngoài dự kiến cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Các cố vấn của ông dự đoán Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ trở thành chủ đề chính trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo khác.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes cho biết chuyến đi của Tổng thống Obama với các điểm dừng ở Hy Lạp, Đức và Peru là một tín hiệu của tình đoàn kết với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ và là một cách thể hiện “sự ủng hộ một châu Âu mạnh mẽ, hòa nhập và thống nhất”.
Bài phát biểu lớn duy nhất dự kiến diễn ra ở Hy Lạp vào thứ Tư, nói về những công việc còn tồn đọng để giải quyết những thách thức kinh tế tại đây và ở những nơi khác trên thế giới, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và đấu tranh chống bất bình đẳng.
Ông Rhodes cho biết trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Alexis Tsipras, Tổng thống Obama cũng sẽ bày tỏ sự ủng hộ đối với những gì mà người dân Hy Lạp đã phải trải qua để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến gói cứu trợ quốc tế và những yêu cầu nghiêm ngặt về việc cắt giảm chi tiêu và các dịch vụ công cộng ở Hy Lạp.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ chủ trì cuộc thảo luận với Tổng thống Obama vào thứ Năm. Ông Rhodes nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước và gọi bà Merkel là “đối tác thân cận nhất của tổng thống trong toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của ông”.
Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha cũng sẽ đến Berlin để dự các cuộc họp hôm thứ Sáu, dự tính sẽ bao gồm các nội dung về cuộc chiến đang tiếp diễn chống Nhà nước Hồi giáo, các vấn đề liên quan đến di cư, tình hình ở Ukraine và cuộc bầu cử của Hoa Kỳ hồi tuần trước.
Your browser doesn’t support HTML5
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng các thỏa thuận quốc tế đã đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, bao gồm thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, thỏa thuận khí hậu quốc tế đã có hiệu lực vào tháng trước và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được thông qua tại Quốc hội Mỹ. Ông Trump đã đánh bại ứng cử viên Hillary Clinton, đồng đảng Dân chủ với ông Obama.
Ông Rhodes nói với các nhà báo trong cuộc họp trước chuyến đi của Tổng thống Obama rằng dù kết quả bầu cử có ra sao, Obama và chính quyền của ông cũng mong muốn chính quyền kế nhiệm sẽ thành công, và thế giới cũng có mong muốn tương tự.
Về Hiệp định TPP, ông Obama dự kiến sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo khác có liên quan đến thỏa thuận trong chặng dừng chân ở Peru để đánh giá về những ảnh hưởng của việc thắng cử của ông Trump đến hiệp ước này và các vấn đề thương mại khác. Ông Obama cũng sẽ có một cuộc họp theo dự kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, quốc gia không nằm trong thỏa thuận TPP.
Ông Obama đã đưa khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một trọng tâm chính của chính sách đối ngoại của mình. Tại Peru, chương trình nghị sự chính của ông là thảo luận với các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Ông Trump có thể sẽ có một lập trường khác đối với châu Á, nhưng theo ông Rhodes, vì sự phát triển của khu vực và số lượng các hiệp ước thương mại và các đối tác của Hoa Kỳ tại đây, ông tin rằng khu vực này vẫn sẽ là một ưu tiên trong chính sách của Hoa Kỳ.