Trump không đi châu Á: Ảnh hưởng của Mỹ sẽ giảm?

Ông Trump đã vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh Asean ở Singapore

Các nhà lãnh đạo châu Á sẽ tề tựu ở Papua New Guinea trong tuần này vào lúc Mỹ và Trung Quốc đang vận động sự ủng hộ để giành được ưu thế trong cuộc ganh đua ngày càng leo thang để tranh giành ảnh hưởng quân sự và kinh tế trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có mặt trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thì không.

Thay mặt cho ông Trump là Phó Tổng thống Mike Pence, người sẽ truyền đạt thông điệp đến châu Á rằng Mỹ sẽ làm đối trọng đáng tin cậy trước Trung Quốc ngày càng mạnh bạo.

“Chủ nghĩa chuyên chế và sự hung hăng không có chỗ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và tôi biết tầm nhìn này được Mỹ và Nhật chia sẻ,” ông Pence phát biểu hôm 13/11 ở Tokyo sau cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Tuy nhiên, các nước nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc muốn tìm kiếm sự đảm bảo của phía Mỹ chắc chắn sẽ xem sự vắng mặt của ông Trump là sự bẽ mặt, các phân tích gia cho biết.

Với việc bỏ qua hội nghị thượng đỉnh APEC và hai cuộc gặp thượng đỉnh khác ở Singapore trong tuần này, ông Trump có nguy cơ để lại ấn tượng rằng ông không xem khu vực này là ưu tiên quan trọng mà ông nhất định phải có mặt, các nhà phân tích chính sách đối ngoại nói.

Quan ngại càng chồng chất lên nỗi lo sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không lâu sau khi vào Nhà Trắng. Hiệp định này do người tiền nhiệm của ông Trump là ông Barack Obama cổ súy và thúc đẩy.

Thay vào đó, ông Trump nhấn mạnh vào các hiệp định thương mại riêng rẽ với từng nước mà ông tin rằng Mỹ có thể tận dụng lợi thế nước lớn và các đòn bẩy của mình, các trợ lý Nhà Trắng cho biết.

Các phái đoàn đến Port Moresby ở Papua New Guinea dự hội nghị sẽ mục kích trực tiếp sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Nơi tổ chức họp là trung tâm hội nghị được người Trung Quốc xây dựng và bỏ tiền. Các đoàn xe sẽ chạy trên con đường sáu làn xe do Trung Quốc làm bằng tiền vay của Trung Quốc.

Ông Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cựu quan chức của chính quyền George W. Bush, nhận xét: “Nếu như 80% cuộc đời là phải có mặt thì Hoa Kỳ đã bị mất 80% khi tổng thống không đến. Không có phó tổng thống nào có thể thay đổi được thực tế đó nếu các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đều được nguyên thủ của họ đại diện.”

“Kết luận ở đây là sự vắng mặt của Tổng thống Trump củng cố cảm nhận rằng cam kết của Mỹ đối với châu Á đang thoái giảm trong ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên,” ông nói.

Ông Trump cũng mất cơ hội tận dụng nghi thức chụp hình chung để tạo dựng mối quan hệ.

“Theo nghi thức, Phó Tổng thống sẽ được xếp ở hàng sau ở đâu đó, trong khi ông Tập Cận Bình sẽ được xếp đứng ngay cạnh chủ nhà,” ông Victor Cha, nguyên giám đốc các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nói.

Các quan chức Nhà Trắng nêu lý do ông Trump không đi châu Á là lịch trình kín mít. Ông Trump mới vừa trở về Mỹ sau chuyến đi Pháp hai ngày và cuối tháng này sẽ bay đến Buenos Aires để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20. Dự kiến ông sẽ có cuộc gặp ông Tập Cận Bình ở Argentina.

Các trợ lý của ông Trump cũng nói rằng ông Pence có quan hệ thân cận với ông Trump và có thể phát biểu thay Tổng thống khi ông đại diện cho nước Mỹ ở nước ngoài.

Hoa Kỳ và các đồng minh đang phối hợp các nỗ lực để ngăn chặn điều mà các quan chức ở Washington và những nơi khác tin là nỗ lực của Bắc Kinh giành ảnh hưởng đối với các nước nhỏ thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường, một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng quốc tế.