Đường dẫn truy cập

Trung Quốc sẽ ‘phòng thủ’ tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực ở châu Á


Lãnh đạo ASEAN sẽ gặp nhau và gặp các lãnh đạo từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ ở Singapore tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 11-15/11/2018.
Lãnh đạo ASEAN sẽ gặp nhau và gặp các lãnh đạo từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ ở Singapore tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 11-15/11/2018.

Các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ nhẹ nhàng đẩy lùi ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực và hướng tới các cường quốc đồng minh phương Tây khi các nhà lãnh đạo hội họp vào tháng này.

Lãnh đạo 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ gặp nhau và gặp các lãnh đạo, quan chức cấp cao từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ ở Singapore tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm từ ngày 11-15/11.

Theo dự đoán của các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ sử dụng hàng loạt các cuộc họp song phương và họp nhóm để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng mới trong vòng 15 năm tới trong kế hoạch phát triển khu vực Đông Nam Á, bất chấp mối lo ngại quốc tế ngày càng tăng của các quốc gia trong khu vực đang trở thành con nợ của Bắc Kinh và nỗi oán hận về việc Trung Quốc mở rộng trong vùng biển tranh chấp - Biển Đông.

Vẫn theo các nhà phân tích, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ giao thiệp với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh nhưng quan tâm nhiều hơn đến các dự án cơ sở hạ tầng do Nhật Bản dẫn đầu và những đề nghị về an ninh từ các đồng minh phương Tây chống lại việc mở rộng hàng hải của Trung Quốc.

“Trung Quốc có thể chặn chương trình nghị sự được xem là không thân thiện với Trung Quốc, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy một chương trình nghị sự ủng hộ Trung Quốc”, ông Yun Sun, chuyên gia cao cấp của chương trình Đông Á tại trung tâm Stimson ở thủ đô Washington, nói.

Dự án cơ sở hạ tầng

Phần lớn khu vực Đông Nam Á, với tổng dân số khoảng 630 triệu người, trong nửa thập niên qua đã tìm đến Trung Quốc cho các khoản vay và viện trợ khác để xây dựng đường sắt và cảng biển.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, xem các dự án này là một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” để mở các tuyến thương mại trên toàn thế giới.

Trong khi đầu tư của Trung Quốc đã giúp cho nền kinh tế suy thoái của Brunei và thúc đẩy việc đổi mới cơ sở hạ tầng ở Philippines, thì nó lại gây lo ngại cho một số quốc gia vì các khoản nợ với Trung Quốc, như Pakistan và Sri Lanka.

Tại Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã hủy bỏ hai dự án “Vành đai, Con đường” hồi tháng Tám để tránh mắc thêm nợ với Trung Quốc: một dự án là đường sắt liên kết trị giá 20 tỷ đôla và dự án kia là đường ống dẫn khí trị giá 2,3 tỷ đôla.

“Tôi không chắc liệu ông ấy có đi xa đến mức cố gắng áp đặt hay thuyết phục các nước khác làm theo hay không, nhưng tôi nghĩ ông ấy chắc chắn muốn ASEAN làm việc với các nước khác trên thế giới nhiều hơn chứ không chỉ với một mình Trung Quốc”, ông Ibrahim Suffian, giám đốc chương trình của trung tâm khảo sát Merdeka ở Kuala Lumpur, Malaysia, nói.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng muốn biết liệu các tranh chấp thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ có gây ảnh hưởng lên khu vực hay không.

Nhưng Trung Quốc có thể hưởng lợi từ hội nghị thượng đỉnh nhiều hơn Mỹ, theo ông Termsak Chalermpalanupap, một nhà nghiên cứu của Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore.

Ông cho rằng Trung Quốc có thể dùng sự kiện này để thúc đẩy hiệp ước thương mại khu vực, một điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối vì ông muốn tìm kiếm các thỏa thuận song phương hơn. Ông Trump sẽ bỏ qua sự kiện này và cử Phó Tổng thống Mike Pence thay vào vị trí của ông.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ ghi điểm và Mỹ sẽ thua vì ông Trump không đến hội nghị mà sẽ cử ông Pence, người không biết nhiều về ASEAN, đi”, nhà nghiên cứu Chalermpalanupap nói.

Tranh chấp Biển Đông

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ chú ý đến bất kỳ đề nghị nào từ Nhật Bản trong việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng cũng như an ninh ở Biển Đông, ông Stephen Nagy, một chính trị gia cao cấp và là giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Kitô giáo Quốc tế tại Tokyo cho biết.

Ông dự đoán các đại diện Nhật Bản sẽ nói về viện trợ phát triển, cơ sở hạ tầng “chất lượng cao” và cho vay “minh bạch”, được xem là “đối trọng trực tiếp” với các thỏa thuận “Vành đai, Con đường”.

Nhật Bản, quốc gia được Mỹ hậu thuẫn, cũng sẽ nhiệt tình tại hội nghị thượng đỉnh vì nỗ lực giữ cho Biển Đông “tự do và mở cửa”, chuyên gia Nagy nói.

Quan điểm này đối lập với Trung Quốc, quốc gia cho rằng khoảng 90% Biển Đông là thuộc chủ quyền của mình, bất chấp tuyên bố chủ quyền của 4 bốn quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam. Trước đây, Nhật Bản đã có những nỗ lực nhằm giữ cho Biển Đông mở cửa như đưa tàu bè của hải quân đi qua vùng biển này và bán vũ khí cho các chính phủ Đông Nam Á.

Năm ngoái, Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý đàm phán về bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh các sự cố ở Biển Đông, nhưng ASEAN hiện đang cảm thấy “thất vọng” với tiến độ kể từ thời điểm đó, ông Sun nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG