Một số quốc gia bao gồm Mỹ và Trung Quốc hôm thứ Bảy đã nhất trí "một cách tổng thể" về những quy tắc đa phương để quản lí những cuộc đối mặt giữa máy bay quân sự của họ, tham gia cùng 10 quốc gia Đông Nam Á.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc tạm thời tham gia thỏa thuận này, được Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua hôm thứ Sáu, theo một thông cáo chung sau hội nghị của các bộ trưởng quốc phòng từ 18 quốc gia tại Singapore.
Những chỉ dẫn mang tính tự nguyện, không ràng buộc này dựa theo một bộ quy tắc hiện hành để quản lí những cuộc đối mặt trên biển được tất cả 18 quốc gia chấp thuận vào năm ngoái. Bộ quy tắc này được thiết kế để giảm thiểu rủi ro sau khi có sự tăng vọt về giao thông hàng không và hàng hải trong khu vực trong những năm gần đây.
"Tất cả chúng ta đều biết rằng nếu có sự cố xảy ra thì nó sẽ kéo theo một loạt các hoạt động mà ta không thể kiểm soát được," Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị.
Bộ quy tắc trên không này được ca ngợi là thỏa thuận đa phương đầu tiên thuộc loại này, dù các thỏa thuận như vậy đã hiện hữu ở cấp song phương. Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc đã kí một thỏa thuận về đường dây nóng quân sự và các quy tắc quản lí các cuộc đối mặt không đối không.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói với người đồng nhiệm Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa, hôm thứ Năm nói rằng các nước cần phải tăng cường các quan hệ cao cấp để ứng phó với căng thẳng và kiềm chế nguy cơ xung đột không cố ý.
Quân đội Mỹ đã cho máy bay ném bom B-52 bay ngang qua Biển Đông vào tháng 9. Đầu tháng này, một khu trục hạm của Hải quân Hoa Kỳ đã đến gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, khiến Bắc Kinh tức giận.