Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, cùng Chủ Tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, hôm 12 tháng Giêng ký kết 15 văn kiện hợp tác “quan trọng” trong chuyến thăm đang diễn ra tại Bắc Kinh. Nhưng một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam nói các văn kiện chỉ là “bề mặt” trong chuyến đi của ông Trọng.
Theo bản tin truyền hình của VTV1, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được Chủ Tịch Trung Quốc đón tiếp long trọng với 21 phát đại bác, và các quan chức cùng đoàn thể Trung Quốc nghênh đón 2 bên khi ông Trọng tiến vào Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh.
Lãnh đạo hai đảng Cộng Sản thảo luận “các định hướng lớn”, trong đó có vấn đề trên biển. Cả hai đồng ý không để những tranh chấp Biển Đông làm tổn hại đến mối quan hệ hai quốc gia.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình cho biết “hai quốc gia sẽ mở rộng các trao đổi quân sự và đào sâu hợp tác an ninh”.
Cũng trong buổi thảo luận này, hai ông Trọng – Bình ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có các thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai đảng, hợp tác kinh tế, quốc phòng…
Từ góc nhìn khác, Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, nói với VOA rằng những thỏa ước trên chỉ là “bề mặt”.
“Tất cả những ký kết, thỏa ước như vậy có lẽ chỉ là bề mặt thôi. Ẩn giấu bên trong có một cái gì đặc biệt hơn. Đó mới là cái chính chứ không phải thỏa ước bên ngoài”. Lời Tiến Sĩ Dũng.
Theo phân tích ông Phạm Chí Dũng, không thể xem vấn đề quan hệ Việt - Mỹ - Trung là nội dung quan trọng trong chuyến đi của ông Trọng đến Bắc Kinh lần này. Lý do là vì ngay cả các lãnh đạo hay các chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc hiện cũng không nắm được “ông Trump như thế nào” để có thể đưa ra các kế sách thích hợp. Do đó, giả thuyết ông Trọng đi “tham vấn” về chiến lược đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thích đáng.
“Nếu ông Trọng đến Trung Quốc không hẳn với ý bàn về mối quan hệ đu dây chiến lược, mà có thể về một số vấn đề khác. Tôi cho những vấn đề khác đó có thể liên quan đến tình hình Việt Nam, vấn đề triều chính Việt Nam, đặc biệt là về những nhân sự có thể ông Trọng muốn sắp xếp, một lúc nào đó khi ông Trọng nghỉ thì sẽ có người thay”. Tiến Sĩ Dũng phân tích.
Theo nhà bình luận của Việt Nam, uy tín ông Trọng gần đây giảm sút “đáng kể” sau thất bại trong vụ xử phạt Trịnh Xuân Thanh và các quan chức liên quan. Vì vậy, khả năng Tổng Bí Thư Việt Nam sang Bắc Kinh “tham khảo” về các biện pháp xử lý hiệu quả các đảng viên hư hỏng, “tự diễn biến”, “tự suy thoái” là nội dung có thể xảy ra.
Ngay sau khi có tin tức về việc ông Trọng ký kết các văn kiện “quan trọng” với Trung Quốc, nhiều ý kiến từ công luận tỏ ra hoài nghi về nội dung bên trong cũng như mục đích thực sự trong chuyến thăm của người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam tới Bắc Kinh lần này.
Một số nhà phân tích nói phản ứng của công luận Việt Nam một phần là do tâm lý “bài Trung”.
Hôm nay (13 tháng Giêng), ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục hội kiến Thủ Tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.
Chuyến đi của ông Trọng tới Bắc Kinh kéo dài đến hết ngày 15 tháng Giêng.