Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm Việt Nam cuối tuần này. Một nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế nhận định ông Kerry sử dụng chuyến thăm để bàn thảo với lãnh đạo Việt Nam về tam giác quan hệ Việt Nam-Mỹ-Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo chính thức hôm 10/1 cho hay Ngoại trưởng Kerry sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 13 và 14/1 trước khi tới Pháp, Anh và Thụy Sĩ.
Thông cáo nói ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp các quan chức cao cấp của Việt Nam ở Hà Nội hôm 13 để bàn thảo một loạt các vấn đề song phương và khu vực. Chiều cùng ngày, ông sẽ đi thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục gặp gỡ các quan chức và đọc bài phát biểu về quan hệ Mỹ-Việt.
Chỉ một ngày trước khi ông Kerry đến Hà Nội, lãnh đạo chính trị hàng đầu của Việt Nam là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng sẽ đi thăm Trung Quốc.
Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế, lưu ý những diễn biến trùng hợp đó gợi ý rằng các lãnh đạo 3 nước Việt, Mỹ, Trung sẽ gấp rút bàn bạc, tham vấn những vấn đề quan trọng liên quan đến tam giác quan hệ giữa họ vào thời điểm nước Mỹ sắp có tổng thống mới. Ông Khanh nói với VOA:
“Có thể ông Trọng đi tới Bắc Kinh kỳ này để tham vấn về một vấn đề gì đó, mà một trong những vấn đề đó là ông Kerry sẽ tới Hà Nội để trao đổi với lãnh đạo của Việt Nam. Có thể là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hay là ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hoặc là cụ thể là ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về một vấn đề gì đó có tính chất rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng ông Kerry có thể đến Hà Nội để mang theo một thông điệp gì đó cho Hà Nội để tiếp cận với chính phủ của Hoa Kỳ trong giai đoạn sắp tới”.
Đúng một tuần tính từ ngày 13/1, khi ông Kerry bắt đầu chuyến thăm Việt Nam lần cuối trên cương vị ngoại trưởng, ông Donald Trump sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ. Luật sư Khanh cho rằng dưới thời Tổng thống Trump, người có chủ trương “đối đầu về kinh tế với Trung Quốc”, Việt Nam sẽ đứng trước sự lựa chọn khó khăn:
“Ông Donald Trump lên, và với cái tính khí bất thường của ông ấy và cái cách ông ấy điều hành, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ rất khó lòng đứng ở cái thế đu dây giống như chúng ta đã biết trong 8 năm vừa qua. Tôi nghĩ rằng 4 năm sắp tới, dưới chính quyền của ông Tổng thống Donald Trump, Việt Nam có thể là một điểm rất nóng”.
Vị luật sư, người cũng là giáo sư tại Đại học Ottawa, bổ sung thêm rằng một lý do nữa làm Việt Nam trở thành điểm nóng là tân tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á, tiếp nối những gì ông Obama đã làm, cho dù có thể sẽ có một tên gọi mới cho chiến lược này. Luật sư Khanh dự báo việc tăng tốc chiến lược xoay trục sẽ diễn ra mạnh trong hai năm đầu của nhiệm kỳ của ông Trump.
Trong ngày cuối của chuyến thăm Việt Nam, hôm 14/1, Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ đến thăm tỉnh Cà Mau nằm trong Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông Kerry sẽ gặp và bàn thảo cùng các chuyên gia địa phương về các vấn đề môi trường có ảnh hưởng đến khu vực và về các cách thức Mỹ kết hợp với Việt Nam phát triển năng lượng sạch và hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nước thông minh, và quản lý tài nguyên hệ sinh thái.
Với cái nhìn của một chuyên gia, Luật sư Khanh lưu ý rằng chặng dừng chân của ông Kerry có thể liên quan đến tầm quan trọng chiến lược của Cà Mau vì nơi đó là điểm cực Nam trên bộ của Việt Nam cũng là điểm vươn ra Biển Đông.
Sau Việt Nam, Ngoại trưởng Kerry thăm Pháp ngày 15/1 để dự hội nghị về hòa bình Trung Đông. Ngày 16/1, ông sẽ thăm Anh và cùng ngoại trưởng nước chủ nhà bàn về tình hình Syria cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác.
Trong các ngày 17 và 18, ông Kerry sẽ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, Thụy sĩ, tại đó ông sẽ phát biểu về ngoại giao trong thế kỷ 21.