Đường dẫn truy cập

Trung Quốc ra quy định mới, hệ thống hoá thủ tục điều tra tham nhũng


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua các quy định mới để giám sát chặt chẽ hơn nửa triệu cán bộ điều tra tham nhũng. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.

Các quy định nội bộ được thông qua hôm Chủ nhật vào lúc bế mạc hội nghị thường niên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn chung cho các cuộc điều tra tham nhũng nhằm đảm bảo sự trong sạch của các đội điều tra.

Tuy nhiên giới phân tích tỏ ra hoài nghi, nói rằng các quy định nội bộ để tự giám sát lấy có thể sẽ không hiệu quả trong việc phanh phui cán bộ điều tra bị hủ hoá, mặc dù họ vẫn làm việc để bảo đảm các đảng viên phải phục tòng giai cấp lãnh đạo dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thiết lập tiêu chuẩn và thủ tục điều tra

Trong khi chưa có chi tiết nào được công bố, tin cho hay các quy định mới sẽ đặt ra những tiêu chuẩn rõ ràng về cách xử lý các thông tin nhận được về tham nhũng, làm thế nào để kiểm tra và thẩm định các trường hợp tham nhũng, cũng như cách quản lý tài sản bất chính, theo một phúc trình được tải lên trang mạng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) hôm Chủ nhật.

Các điều tra viên còn được khuyến khích ghi âm và quay video trong suốt tiến trình thẩm vấn và lập ra một hệ thống đăng ký cho những người muốn tìm hiểu hoặc tìm cách can thiệp vào các vụ điều tra.

Một thông cáo của hội nghị công bố hôm Chủ nhật nói: “Sự tin tưởng vào các cán bộ điều tra không thể thay thế công tác giám sát. Chúng ta phải bảo đảm quyền hạn do đảng trao lại không bị lạm dụng.”

Ngỏ lời tại một buổi họp báo hôm thứ Hai, ông Ngô Ngọc Lương, phó Bí thư của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tái khẳng định quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” trong thành phần lãnh đạo có thế lực cũng như trong các giới chức cấp cơ sở.

Ông nói thêm rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lấy đà và đạt tiến bộ lớn sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy 93% dân chúng ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của đảng, so với 75% hồi năm 2012.

Ông Ngô dẫn lời Chủ tịch Tập nói rằng: “Chúng ta đã đạt được mục tiêu là đảm bảo các quan chức không dám tham nhũng, và hệ thống nhằm bảo đảm các giới chức sẽ không tham nhũng cũng đã được thiết lập. Chúng ta đang dựng lên một con đập để chặn đứng dự tính tham nhũng trong hàng ngũ quan chức.”

Theo ông Ngô, trong năm 2016, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kỷ luật 0.43% tổng số 88 triệu đảng viên so với 0,18% của tổng số 85 triệu đảng viên hồi năm 2012.

Ông cho biết rằng trong 4 năm qua 2.500 quan chức tham nhũng chạy ra nước ngoài đã bị dẫn độ về nước, và họ phải hoàn trả tổng cộng 8,64 tỉ nhân dân tệ- tương đương với 1,25 tỉ đôla, tiền đánh cắp của công quỹ.

Chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban giám sát quốc gia có nhiệm vụ giám sát các quan chức trong hệ thống chính quyền, kể trong hệ thống tòa án.

Ông Ngô cũng tiết lộ rằng Quốc hội đang soạn thảo một đạo luật toàn quốc để cung cấp một cơ sở pháp lý toàn diện cho chiến dịch chống tham nhũng toàn quốc.

Hoài nghi về các quy định

Bình luận về quy tắc tự giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Báp-tít Hong Kong, nói rằng họ chỉ giải quyết những quan ngại rằng các nhà điều tra chống tham nhũng đã được trao quá nhiều quyền lực và không có quy định nào để hạn chế hoặc ngăn cản họ lạm dụng quyền hạn nắm trong tay.

Giáo sư Cabestan nói rằng mặc dù các quy định mới có thể giúp giám sát chặt chẽ hơn các thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, nhưng liệu các giới chức chống tham nhũng có bị điều tra riêng biệt để tránh bị truy tố hay không, thì còn phải chờ xem.

Ông nói trên mặt trận chính trị, các quy định mới sẽ giúp ông Tập củng cố quyền lực, bằng cách sử dụng cơ quan giám sát tham nhũng hàng đầu để tăng cường kỷ luật chính trị trong khi trấn dẹp các phe phái đối nghịch, chống đối ông ta hoặc tìm cách cản trở việc thi hành các biện pháp cải cách của ông trên toàn quốc.

Chia sẻ quan điểm tương tự, ông Nhậm Kiến Minh, giám đốc trung tâm nghiên cứu chống tham nhũng và quản trị tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói rằng không thể nào kiểm tra các giới chức trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương bằng các quy định giám sát trong nội bộ, nếu không có sự giám sát từ bên ngoài.

Trong khi đó, việc ông Li Shulei, từng là người viết diễn văn cho ông Tập, vào vị trí đứng đầu cơ quan giám sát chống tham nhũng của Bắc Kinh xác nhận kế hoạch của ông Tập để thắt chặt quyền kiểm soát của ông đối với cơ quan kiểm soát kỷ luật của đảng bởi vì ông Li, mặc dù là một quan chức mới, nhưng là người được ông Tập tin cậy, theo giáo sư Cabestan

Giáo sư Cabestan nói ông tin rằng ông Tập sẽ tìm cách giữ lại ông Vương Kỳ Sơn trong vị trí đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương sau khi Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 19 dự kiến diễn ra trong nửa cuối của năm nay, mặc dù ông Vương, 68 tuổi, đã quá tuổi nghỉ hưu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG