Trò chuyện với đại diện Việt Nam tại Hội thi Khoa học, Kỹ thuật Quốc tế Intel

Theo thông tin từ BTC Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel 2014 (ISEF), từ ngày 11 đến 16 tháng 5, 2014, gần 1.800 những nhà khoa học, kỹ sư, nhà toán học trẻ và đầy hứa hẹn đã tề tựu về thành phố Los Angeles để tham gia cuộc tranh tài khoa học tiền đại học lớn nhất thế giới này. Những bạn trẻ lọt vào vòng chung kết cấp quốc tế sẽ trình bày về những dự án nghiên cứu của chính mình, bao gồm những công nghệ đột phá và những giải pháp tiềm năng cho những vấn đề làm nhức nhối nhân loại hiện nay, trước hội đồng giám khảo có uy tín trong ngành và khán giả tham dự. Giải thưởng lớn nhất là giải The Gordon E. Moore trị giá 75,000 đô la nhằm vinh danh những nghiên cứu nổi bật và sáng tạo nhất, cũng như tầm ảnh hưởng của những nghiên cứu đó đến cuộc sống con người. Đoàn Việt Nam tham dự hội thi lần này có các đại diện đến từ trường chuyên Hà Nội Amsterdam mang đến cuộc thi với đề tài nghiên cứu về cách sản xuất dầu sinh học diesel từ rơm rạ, trong khi các đại diện khác của hai trường chuyên Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong tập trung giải quyết vấn đề dầu thải ở Việt Nam. Hôm thứ Năm ngày 15 tháng 5, một ngày trước khi lễ trao giải diễn ra, VOA Tiếng Việt đã có dịp được trò chuyện với bạn Mai Anh, Tố Uyên, học sinh lớp 11 trường Trần Đại Nghĩa và bạn Lan, học sinh lớp 12 trường Hà Nội Amsterdam qua Skype.

VOA: Đây là lần thứ mấy các em sang Mỹ?

Mai Anh, Tố Uyên, Lan: Đây là lần đầu tiên tụi em sang đây ạ.

VOA: Để thuật lại cảm tưởng của các em về Mỹ một cách ngắn gọn trong năm ngày qua, đó sẽ là gì?

Mai Anh: Bất ngờ.

Uyên: Chuyên nghiệp, lệch múi giờ.

Lan: Đa dạng, đúng nghĩa Hợp chủng quốc.

VOA: Trong số những hoạt động của ban tổ chức trong những ngày vừa qua, hoạt động nào các em thích hay cảm thấy ấn tượng nhất?

Lan: Em thích lễ khai mạc nhất. Nó rất thoải mái, gần gũi, thân thiện mà vẫn có tính chất trang trọng một cách nhất định. Mặc dù hôm đấy em hơi mệt nên ngủ mất một nửa nhưng em thấy nó khá là thích thú, dễ chịu.

Uyên: Em thấy thì cái đêm Pin of Change Party là hay nhất tại vì lúc đó là mọi người cùng nhau trao đổi cái huy hiệu rồi bắt chuyện, làm quen với nhau.

Mai Anh: Em cũng giống bạn Uyên.

VOA: Các em có nhận xét gì về những bạn học sinh khác đến đây tranh tài?

Mai Anh: Ai cũng đều giỏi, năng động, thân thiện.

Uyên: Em cũng thấy mọi người rất thân thiện, cởi mở.

Lan: Có những bạn rất sôi nổi nhưng cũng có những bạn rất là mọt sách. Hầu hết nói chung thì tất cả các bạn đều rất là giỏi nhưng mỗi người lại có một đặc điểm riêng.

VOA: Tại sao các em biết tới cuộc thi này?

Mai Anh: Cũng do sự giới thiệu của trường lớp tổ chức hoạt động, đăng lên bản tin thì tụi em có biết.

Lan: Trường em năm nay là năm thứ ba tham gia cuộc thi này rồi nên nó cũng thành một truyền thống. Cuộc thi được phát động khá mạnh mẽ ở trường nên là em biết ngay từ đầu năm học và có sự quyết tâm tham gia ngay từ đầu.

VOA: Được biết là để tham gia được vào vòng cuối cùng này, các em phải trải qua các vòng thi từ trường và địa phương trước đó. Quá trình đó là như thế nào? Ai là người đã hỗ trợ các em trong quá trình đó?

Uyên: Đối với nhóm của tụi em thì ban đầu là tụi em có hai cô hướng dẫn vì cô cũng giúp đỡ tụi em rất nhiều, nhưng cô cũng luôn khuyến khích tụi em là phải tự mình tìm hiểu hết tất cả. Tụi em phải thi vòng trường, sau đó lên vòng thành phố, và cuối cùng là vòng quốc gia ở Cần Thơ. Sau khi đoạt giải ở vòng quốc gia thì tụi tiến đến vòng thi quốc tế.

Lan: Bọn em cũng trải qua cùng quá trình như vậy.

VOA: Nhóm trường Amsterdam thì chọn đề tài sản xuất dầu diesel từ rơm và các bạn đến từ trường Trần Đại Nghĩa thì có một dự án về môi trường. Xin hỏi chung cả ba em là vì sao các em lại chọn những dự án đó để tham gia vào cuộc thi này?

Lan: Ý tưởng đến từ vấn đề bất cập mà bọn em đối diện trong cuộc sống. Như ở Hà Nội thì cứ cuối mùa gặt thì người ta đốt rơm rạ nhiều, khói nhiều, cho nên bọn em phải tìm cách giải quyết thế nào để cho hợp lý. Ở trong trường lớp em cũng tham gia một số câu lạc bộ về môi trường nên vấn đề môi trường luôn là vấn đề em đặt hàng đầu và quan tâm.

Uyên: Thực ra đề tài đến với bọn em cũng khá là tình cờ. Nếu mà nói về làm việc khoa học thì chúng ta phải quan sát những thứ xung quanh. Em thấy là ở Tp.HCM và đặc biệt là ở Việt Nam thì có rất nhiều xe máy. Khi người ta sử dụng xe máy thì người ta cần tiến hành bảo trì thì người ta cứ thải dầu chất thải trực tiếp ra ngoài môi trường như vậy. Dầu chất thải thì gây hại rất nhiều, thậm chí cây cối xung quanh xác xơ và không phát triển được. Từ đó là em quyết định lưu ý đến vấn đề này và bắt tay vào thực hiện đề tài.


VOA: Các em biết tin mình được chọn để sang Mỹ như thế nào?

Uyên: Tin này đến với tụi em khá là bất ngờ tại vì tụi em là nhóm đạt giải nhì thì ban đầu tụi em không nghĩ là mình được đi nhưng mà sau đó khi em nhận được tin từ cô thì tụi em cảm thấy rất tự hào. Ngoài nhóm tụi em còn có một nhóm các bạn khác đến từ trường Lê Hồng Phong.

Lan: Đề tài của bọn em lúc thi xong lĩnh vực thì cũng biết là giải nhất rồi thế nên em cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc thi quốc tế ngay từ giải quốc gia.

VOA: Và lúc mà các em biết tin sẽ sang Mỹ thì gia đình các em phản ứng sao?

Uyên: Ba mẹ em thì cũng vui, cũng động viên em là hãy cố gắng tiếp tục đề tài và chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Lan: Bố mẹ em chỉ bảo là cố gắng hết sức còn vấn đề giải thì thuộc về nhiều yếu tố. Cái chính bố mẹ em dặn là ăn cẩn thận không sang đó lại béo thôi ạ.

MA: Bố mẹ em thì cũng rất là vui, cũng động viên em phải cố lên.

VOA: Trong những ngày qua các em có cú shock văn hóa nào không?

Uyên: Dạ đồ ăn. Đồ ăn tụi em ăn không hợp lắm.

Mai Anh: Rồi cũng chênh lệch giờ ngủ nữa chị.

Lan: Em thì cứ mệt là em ngủ nên cũng không quan trọng giờ ngủ lắm. Ăn uống thì bữa đầu, bữa hai rất là ngon, nhưng đến lúc về sau ăn thì cảm giác là nó cũng không hợp với mình, nên cảm thấy hơi khó thích nghi một tí về mặt đồ ăn thôi ạ. Về khí hậu thì cũng khô quá mức đối với bọn em nên là nên cũng có một số vấn đề liên quan đến da, hơi khó chịu, nhưng mà mong rằng là sẽ quen sớm.

VOA: Bài học từ Mỹ nào các em muốn mang về VN chia sẻ với bạn bè mình?

Uyên: Phong cách làm việc ở đây khá là chuyên nghiệp. Cách tổ chức cuộc thi cũng thế, phân chia giờ giấc rất rõ ràng, lên lịch cụ thể. Em thấy hầu như là không có tai nạn nào xảy ra.

Mai Anh: Em thấy những người ở đây thì đều rất thân thiện. Từ những người cấp cao đến cấp thấp thì đều thân thiện như nhau và người Việt Nam cũng cần phải học hỏi.

VOA: Dành cho những bạn khác muốn tham gia cuộc thi này vào những năm sau và muốn lắng nghe chia sẻ từ các em, các em sẽ nói gì với các bạn ấy?

Lan: Đừng quá bị áp lực, cứ thoải mái ‘YOLO’ (You only live once), em nghĩ thế.

Uyên: Khi mà thực hiện đề tài thì khi mình làm công việc nào cũng thế, sẽ có rất nhiều những khó khăn. Nhưng mình không nên vì thế mà bỏ cuộc và cảm thấy nản. Cứ tiếp tục sửa chữa các sai lầm đó. Cứ cố gắng chăm chỉ làm việc thì sẽ ổn.

Mai Anh: Khi mà mình đã có một đề tài hay suy nghĩ trong đầu thì hãy dám thực hiện và đừng sợ thất bại vì có thể mình sẽ học được nhiều điều bên trong đó.

VOA: Dự định lớn hơn trong tương lai của các em là gì?

Lan: Vào tháng 8 thì em cũng sang Mỹ để học đại học. Em mong có thể học hành tử tế để sau này có thể quay lại cuộc thi này với tư cách là giám khảo. Trường thì em vẫn đang chọn vì là cũng có một số trường đồng ý nhận hồ sơ của em. Còn ngành thì em sẽ theo hóa sinh và ngành cùng với đề tài em tham gia trong cuộc thi này.

Uyên: Em cũng muốn sang Mỹ du học. Hiện tại em cũng đang chuẩn bị các bài thi tiếng Anh như SAT và Toefl để apply (đăng ký) vào các trường đại học bên đó. Sắp tới em cũng dự định học hành chăm chỉ để cố gắng kiếm được scholarship (học bổng.) Ngành của em học thì khá là không liên quan đến đề tài. Em định học business (kinh doanh.)

Mai Anh: Em cũng có dự định sẽ đi du học. Em cũng sẽ cố gắng học để lấy những bằng phù hợp để xin học bổng. Học thì có thể ở Mỹ mà ngành thì có thể là về sinh hoặc hóa.

VOA: Một lần nữa cám ơn các em rất nhiều đã dành thời gian trò chuyện với VOA hôm nay. Chúc các em thành công!

Cập nhật: Giải thưởng cao nhất Gordon E. Moore cuộc thi ISEF 2014 trị giá 75,000 đô la đã thuộc về em Nathan Han, 15 tuổi, đến từ Boston, Massachusetts với công cụ phần mềm nghiên cứu sự biến đổi gen có liên quan đến bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng. Để xem thêm kết quả các giải thưởng khác, xin mời bấm vào đây.

Nguồn: Intel.com, VOA Skype interview.