Triều Tiên đang tăng cường đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh, nhưng các quan chức ở Washington và Seoul nói họ không thấy có dấu hiệu Bình Nhưỡng có ý định sắp sửa thực hiện hành động quân sự.
Các quan chức và các nhà phân tích cho biết, chính phủ của ông Kim Jong Un có thể sẽ tiếp tục hoặc thậm chí gia tăng các bước khiêu khích sau khi nước này đạt được những bước tiến trong phát triển phi đạn đạn đạo, tăng cường hợp tác với Nga và từ bỏ mục tiêu kéo dài hàng thập niên là thống nhất hòa bình với Hàn Quốc.
Các nhà phân tích tại một tổ chức tư vấn nổi tiếng cho biết trong một phúc trình trong tháng này rằng ông Kim “đã đưa ra quyết định chiến lược là chiến tranh”, giống như ông nội của ông đã làm vào năm 1950, lợi dụng việc Mỹ đang bị phân tâm bởi các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, và những nghi ngờ từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Nhưng các quan chức Mỹ và Hàn Quốc không cảm thấy có một cuộc chiến sắp xảy ra.
Một quan chức Mỹ nói: “Mặc dù chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu nào về mối đe dọa quân sự trực tiếp vào thời điểm này, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi nguy cơ hành động quân sự của (Triều Tiên) chống lại (Hàn Quốc) và Nhật Bản”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik trong tháng này bác tuyên bố “cường điệu quá mức” của một số chuyên gia Mỹ rằng khả năng xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên là cao nhất kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến năm 1953 - khiến miền Bắc và miền Nam về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Ông Shin nói với một đài phát thanh rằng những lập luận như vậy có lợi cho cuộc chiến tâm lý của Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ lời lẽ và hành động của Bình Nhưỡng, nhưng từ chối nêu rõ liệu Tokyo có tin rằng Triều Tiên đang lên kế hoạch cho một loại hành động quân sự nào đó hay không.
‘Không có chiến tranh’
Ông Sydney Seiler, sĩ quan tình báo quốc gia về Triều Tiên tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ nghỉ hưu vào năm ngoái, nói: “Tôi có thể đảm bảo rằng chúng ta không có chiến tranh”. “Triều Tiên chưa sẵn sàng cho điều đó. Họ chưa có tư thế cho điều đó.”
Cựu tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, theo thăm dò, có vị thế mạnh mẽ so với đương kim Tổng thống Joe Biden trước cuộc tái đấu có thể xảy ra trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay. Với tư cách là tổng thống, ông Trump từng đe dọa rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Hàn Quốc và tham gia vào cả chính sách đối đầu lẫn chính sách ngoại giao chưa từng có với ông Kim, có thời điểm nói rằng “chúng tôi đã yêu nhau” sau khi hai người trao đổi thư từ.
Ông Trump đã bác bỏ thông tin cho rằng, nếu được bầu lại, ông sẽ xem xét một thỏa thuận với ông Kim, theo đó cho phép Triều Tiên giữ lại vũ khí hạt nhân đồng thời đưa ra các khuyến khích tài chính để nước này ngừng chế tạo bom.
Bất cứ ai chiếm được Tòa Bạch Ốc vào năm tới sẽ phải đối mặt với một Bình Nhưỡng được khuyến khích bởi kho vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo không được kiểm soát, cũng như sự ủng hộ ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc, vốn đã phá vỡ các chế tài quốc tế mong manh chống lại Bình Nhưỡng.
Ông Shin thừa nhận, Triều Tiên có thể tăng thêm áp lực lên các đồng minh xung quanh cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4, cũng như cuộc bỏ phiếu ở Mỹ.
“Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Triều Tiên có thể cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường chiến lược bằng các hành động khiêu khích cường độ cao như phóng vệ tinh do thám và phi đạn đạn đạo xuyên lục địa hoặc tiến hành thử hạt nhân lần thứ bảy nhằm gây ảnh hưởng đến việc rút khỏi các chính sách theo đường lối cứng rắn”, Bộ trưởng Quốc phòng Shin nói với hãng tin Yonhap.
‘Giải pháp quân sự’?
Phúc trình khuấy động tranh luận về chiến tranh là của hai người theo dõi lâu năm về Hàn Quốc: cựu phân tích tình báo Hoa Kỳ Robert Carlin và nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker. Họ cảnh báo về “đổ nát, vô biên và trần trụi” nếu Washington, Seoul và Tokyo không chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo.
Hai ông, trong một bài báo đăng trên dự án 38 North tại trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, nói: “Quan điểm của Triều Tiên rằng xu hướng toàn cầu đang diễn ra theo hướng có lợi cho họ có lẽ đã dẫn tới các quyết định ở Bình Nhưỡng về cả sự cần thiết và cơ hội - và có lẽ cả thời điểm - hướng tới một giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên”.
Họ lập luận rằng Triều Tiên về cơ bản đã thay đổi tư duy chiến lược, từ bỏ mục tiêu cuối cùng là cải thiện quan hệ với Washington sau hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump thất bại, cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga, đồng thời củng cố mạnh mẽ lập trường của mình đối với miền Nam.
Nhưng nhiều nhà quan sát khác cho rằng nguy cơ lớn hơn là xung đột biên giới hoặc các sự kiện nhỏ khác nhưng có thể gây chết người.
Một cựu cố vấn an ninh chính phủ Nhật Bản cho biết Triều Tiên có thể thực hiện một “hành động mạo hiểm” như nã pháo gần biên giới biển đang tranh chấp như họ đã làm trong tháng này hoặc đánh chìm một tàu chiến của Hàn Quốc như họ đã làm vào năm 2010.
Vẫn theo lời ông, lãnh đạo Kim của Triều Tiên cho rằng ông ta đang phản ứng một cách “rất hợp lý và dễ hiểu” trước những thay đổi như việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản để kiểm soát Triều Tiên.
Ông Seiler, cựu quan chức tình báo Mỹ hiện đang làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết ưu tiên trong nước ngắn hạn của ông Kim dường như là giải quyết những khác biệt kinh tế tại các tỉnh.
“Chúng tôi biết rằng ông Kim đang xem xét các mục tiêu kinh tế”, ông nói. “Đây không phải là một quốc gia sẵn sàng chiến tranh.”
Một báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương vào tháng 11 đã kết luận rằng khả năng răn đe của đồng minh đang “sụp đổ”, và trong khi chiến tranh tổng lực rất khó xảy ra, Triều Tiên có thể cảm thấy được khuyến khích thực hiện các động thái quân sự tích cực hơn để cải thiện các đòn bẩy hoặc làm suy yếu mối liên hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Á.
Phúc trình nói: “Chế độ Bình Nhưỡng gần như chắc chắn biết rằng họ không thể tồn tại nếu gây ra một cuộc chiến hạt nhân toàn diện, nhưng họ có thể sẽ thấy khả năng tồn tại cao hơn đối với việc sử dụng hạt nhân hạn chế trong vòng 5 đến 10 năm tới”.