Sáng nay (20/10), Quốc hội Việt Nam khóa 14 khai mạc kỳ họp thứ hai tại Nhà Quốc hội ở Hà Nội. Trước đó một ngày, một báo cáo được xem là toàn diện nhất từ trước tới nay về thảm họa môi trường ở miền Trung đã được gửi đến cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của người dân.
Your browser doesn’t support HTML5
Báo cáo mang tên “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” được một nhóm trí thức trẻ hoạt động vì môi trường Green Trees thực hiện.
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, một quản trị viên của nhóm, cho VOA biết về nội dung báo cáo này:
“Nội dung của nó là một báo cáo toàn cảnh về thảm họa biển miền Trung đã xảy ra, bao gồm rất nhiều khía cạnh như khía cạnh pháp lý, môi trường, khía cạnh quản lý nhà nước, quản trị thảm họa, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, việc nhìn nhận hậu quả cũng như những gây hại tiếp diễn của thảm họa từ đây về sau”.
Những người thực hiện báo cáo là thành viên của nhóm Green Trees, gồm các luật sư, nhà báo, dược sĩ, kỹ sư… Mục tiêu của Green Trees là để cung cấp thông tin về thảm họa được xem là lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với cái nhìn đa chiều và đầy đủ nhất có thể. Anh Tuấn chia sẻ:
“Có thể nói là sẽ rất khó khăn cho ai đó nếu muốn quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu một cách toàn diện và có hệ thống về thảm họa này. Thế thì ý nghĩa và nguyện vọng đầu tiên của chúng em là làm nên một cuốn báo cáo mà ở đó nếu ai có nhu cầu muốn tìm kiếm thông tin một cách toàn diện và có hệ thống để nghiên cứu về vụ việc thì có thể sử dụng cuốn báo cáo này, bởi vì đây là một báo cáo đa chiều. Nó bao gồm cả những thông cáo của chính phủ, tổng hợp những bài viết được đăng trên báo chính thống, cả những bài viết của những cây viết độc lập, hay ví dụ như một phần trong báo cáo là phân tích các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự khi thảm họa xảy ra”.
Báo cáo gồm 8 chương bằng tiếng Việt còn đi kèm với phiên bản tiếng Anh và tiếng Đài Loan. Ngoài việc cung cấp thông tin tổng thể về pháp lý, các bên liên quan đến thảm họa như Công ty Formosa Hà Tĩnh – tập đoàn gang thép Đài Loan đã gây ra thảm họa, chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự, báo cáo còn dành hẳn một chương để đưa ra các kiến nghị trong việc bảo vệ môi trường Việt Nam. Nhóm Green Trees đề nghị nhà chức trách Việt Nam hãy sửa đổi luật pháp, tạo ra cơ chế để người dân có thể tham gia giám sát hoạt động của các công ty cũng như chính quyền, đảm bảo sự minh bạch và cho phép người dân lên tiếng, chấm dứt các hành động bạo lực, đánh đập và gây thương tích cho những người hoạt động vì môi trường… Ngoài ra, còn có một số kiến nghị trong việc bồi thường và xử lý Formosa.
Hôm 19/10, một số đại diện của nhóm đã đến Văn phòng Quốc hội và gửi bản báo cáo cho cơ quan này với hy vọng “cung cấp thêm thông tin cho các vị đại biểu quốc hội tham gia kỳ họp thứ 2”. Thông báo của Green Trees nói mục đích là để “giúp các đại biểu có những đánh giá, ý kiến cụ thể, xác đáng hơn trên nghị trường Quốc hội trong lĩnh vực môi trường nói chung và vấn đề thảm họa môi trường biển nói riêng”.
Đại diện Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm:
“Qua tiếp xúc và làm việc với các đại biểu quốc hội, em được biết không phải đại biểu quốc hội nào cũng có thời gian hay khả năng để quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ về một lĩnh vực riêng nào đó, ở đây cụ thể là thảm họa đã diễn ra ở miền Trung. Em cho rằng thảm họa này sẽ còn gây hại rất lâu dài và di chứng của nó cũng rất lâu dài. Hiện nay nó đang rất nhức nhối ở miền Trung mà chưa thể tháo gỡ được. Do đó, vai trò của Quốc hội trong việc nghiên cứu về vụ việc cũng như thực hiện chức năng, thẩm quyền của mình để thúc đẩy chính phủ, những cơ quan ban ngành có ứng xử phù hợp đối với thảm họa, với thủ phạm và nạn nhân của thảm họa này”.
Tiền thân của Green Trees là nhóm “Vì Một Hà Nội Xanh”. Đây là một nhóm trẻ đã lãnh đạo phong trào bảo vệ cây xanh ở thủ đô Hà Nội và kiên trì theo đuổi cuộc chiến pháp lý trong việc đòi hỏi minh bạch trong vụ chặt phá cây xanh ở Hà Nội hồi năm ngoái. Với sự lớn mạnh hiện nay, nhóm đã mở rộng sứ mệnh ra với việc bảo vệ môi trường của Việt Nam nói chung.
Trong chương trình nghị sự được thông báo của kỳ họp thứ 2, trong khoảng 10 ngày làm việc với các báo cáo về kinh tế - xã hội, Quốc hội khóa 14 cũng sẽ dành thời gian để nghe báo cáo về việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Kỳ họp thứ 2 này sẽ kéo dài hơn 1 tháng, chấm dứt vào ngày 23/11/2016.