Đường dẫn truy cập

Tội phạm hủy hoại môi trường sẽ bị trừng trị?


Người dân tiêu hủy cá chết ở tỉnh Quảng Bình, ngày 28/4/2016.
Người dân tiêu hủy cá chết ở tỉnh Quảng Bình, ngày 28/4/2016.

Trong bối cảnh bức xức của người dân tăng cao về vấn đề ô nhiễm môi trường tràn lan ở Việt Nam, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tuyên bố quyết tâm đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm và coi việc tàn phá môi trường là một tội hình sự.

Theo truyền thông trong nước, người đứng đầu ngành Công Thương đã triệu tập cuộc họp khẩn quy tụ lãnh đạo các tập đoàn và tổng công ty lớn của ngành hôm 6/10 để báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án mà họ đang tiến hành. Bộ trưởng Tuấn Anh yêu cầu các tập đoàn này cam kết sẽ “không đánh đổi môi trường lấy dự án.”

Nhưng theo chuyên gia môi trường Lê Xuân Lan, người dân không tin vào các hứa hẹn của lãnh đạo nếu không có hành động.

Bà Lan nói: "Trước những bức xúc và trước những vụ việc quá lớn thì bộ trưởng hoặc kể cả thủ tướng và chính phủ cũng có nghĩ đến người dân nhưng vấn đề là họ ở xa quá. Từ lời nói của bộ trưởng và chính phủ phải trở thành hành động. Mà hành động này phải được ràng buộc bởi pháp luật và phải thật là chặt chẽ. Chứ pháp luật mà vẫn có lỗ hổng thì họ vẫn thoát tội và vẫn có những vụ việc không thể xử lý được."

Tại cuộc họp tuần trước, bộ trưởng Tuấn Anh đã yêu cầu bộ và các ngành đừng để cho dân bị ám ảnh về liệu nên “chọn cá hay chọn thép.”

Chuyên gia nhận định: Formosa chỉ rút vì sức ép của chính quyền
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:18 0:00

Việc bùng phát các vụ ô nhiễm môi trường gần đây ở khu vực biển miền Trung và mới nhất là Hồ Tây ở Hà Nội khi người dân bất ngờ chứng kiến hàng tấn cá chết đã gióng lên hồi chuông về vấn đề ô nhiễm đã lên tới cao độ ở Việt Nam. Tập đoàn thép Formosa của Đài Loan được xác định là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung và người dân tiếp tục đòi chính phủ đóng cửa nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh.

Trong những tuần qua, nhiều cuộc khảo sát cho thấy ô nhiễm không khí cũng ở mức báo động nhất là ở những thành phố lớn của Việt Nam.

Theo bà Lan, giảng viên của Đại Học Tài Nguyên Môi Trường, ô nhiễm nguồn đất ở Việt Nam cũng rất nghiêm trọng và các lỗ hổng trong cơ chế luật pháp của Việt Nam đã cho phép những nhà đầu tư công nghiệp hủy hoại môi trường.

Bà Lan cho biết: "Chúng ta cũng biết là khi xử lý ô nhiễm thì vô cùng tốn kém chính vì vậy mà các công ty, các nhà máy họ lờ đi. Và khi chính phủ Việt Nam không nắm được hết các vấn đề xử lý rác và xử lý nước thải từ các nhà máy thì họ không thể nào biết được. Cho nên khi cá chết và có những vấn đề bức xúc của người dân mà họ nêu lên thì mới phát hiện ra."

Formosa góp phần làm giảm GDP của Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:35 0:00

Bộ trưởng Tuấn Anh của bộ Công Thương tuyên bố tại cuộc họp ở Hà Nội rằng ông sẽ “kiên quyết đóng cửa nhà máy nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, hại dân sinh,” và không muốn làm “mất niềm tin trong dân chúng.” Nhưng theo chuyên gia môi trường Xuân Lan, cần có một sự đồng loạt trong chính sách và cam kết của các nhà lãnh đạo:

"Phải có 1 chính sách đồng loạt. Rất cần những nhà khoa học và những người làm chính sách có 1 tầm nhìn rộng. Rất nhiều cơ quan phải nhúng tay vào việc làm giảm ô nhiễm. Phải có luật pháp để ràng buộc những công ty, những khu công nghiệp. Khu công nghiệp giờ mọc lên như nấm. Công ty nước ngoài đổ vào Việt Nam làm ăn rồi đổ ra chất thải. Những người dân nghèo mới là những người chịu thiệt."

Với ví dụ mới nhất là việc chính phủ Việt Nam không làm cho người dân hài lòng trong vụ giải quyết với công ty Formosa, chúng ta sẽ chờ xem lời hứa của Bộ trưởng Tuấn Anh sẽ biến thành hành động như thế nào.

VOA Express

XS
SM
MD
LG