Tranh chấp lãnh hải khuấy đục vùng biển Châu Á

Tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc và tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông, khoảng 210km (130 dặm) ngoài khơi của Việt Nam, ngày 14/5/2014.

Căng thẳng tiếp tục tăng cao ở châu Á vì những vụ tranh chấp lãnh hải. Hàn Quốc đã xúc tiến các cuộc thao diễn quân sự gần một đảo nhỏ mà nước này đang kiểm soát bất chấp sự phản đối của Nhật Bản, là nước cũng đòi chủ quyền hòn đảo. Và Trung Quốc thì đang đặt một giàn khoan dầu thứ nhì ngoài khơi ven biển Việt Nam, nơi hai nước đang lâm vào một cuộc tranh chấp kéo dài. Từ văn phòng Ðông Nam Á của đài VOA, thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Hải quân Hàn Quốc cho biết đã thực hiện một cuộc tập bắn ngoài khơi duyên hải phía đông nước này để tăng cường khả năng chống lại bất cứ cuộc tấn công nào có thể do các tàu ngầm của Bắc Triều Tiên gây ra.

Thông tấn xã Yonhap nói các cuộc tập trận đã được tiến hành trong vùng biển vừa kể trên cơ sở thường xuyên, nhưng đây là lần đầu tiên quân đội công khai loan báo.

Sự kiện đó khơi ra một phản ứng gay gắt từ phía Nhật Bản, là nước nói rằng cuộc thao diễn không báo trước của Hàn Quốc bao gồm cả vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Khu vực này nằm gần một hòn đảo mà Hàn Quốc đã quản lý từ nhiều thập niên mà họ gọi là Dokdo, trong khi Nhật Bản gọi là Takeshima.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga gọi cuộc tập trận của Hàn Quốc là không thể chấp nhận được.

Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản nói hành động của Seoul là “cực kỳ đáng tiếc” và Tokyo cực lực kêu gọi Hàn Quốc bãi bỏ cuộc tập trận.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Wi Yong-seop nói Seoul “sẽ không cứu xét bất cứ yêu sách hay sự can thiệp nào của Nhật Bản về vấn đề này.

Ông Wi nói thêm rằng cuộc tập trận mà ông mô tả là nhắm mục đích tự vệ “vẫn xúc tiến theo đúng kế hoạch.

Cuộc tập trận của Hàn Quốc có sự tham gia của 19 tàu hải quân và tin cho biết còn bao gồm việc phóng ngư lôi, phi đạn cruise chống tàu và các phi đạn Harpoon.

Hải quân Hàn Quốc trích dẫn lời tham mưu trưởng hải quân, Ðề đốc Hwang Ki-chul ra lệnh cho các sĩ quan truy đuổi đến cùng các tàu ngầm của Bắc Triều Tiên và chôn chúng ngoài biển nếu bị khiêu khích.

Hồi đầu tuần này, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đi thanh sát một trong các đơn vị hải quân ở vùng biển phía đông và có ảnh chụp từ buồng chỉ huy của một chiếc tàu ngầm màu xanh rỉ sét.

Ông Kim được các cơ quan truyền thông nhà nước trích thuật nói với các sĩ quan chỉ huy và thủy thủ rằng họ phải cảnh giác trước “các kẻ thù đáng ghét” đang chờ cơ hội xâm lược, vì thế cần phải chuẩn bị chiến đấu.

Cách đó 3.000 kilomét về phía nam, hoạt động hàng hải Trung Quốc gia tăng tiếp tục gây chú ý và quan ngại cho Việt Nam.

Việc hạ đặt giàn khoan đầu tiên, có tên là Hải Dương 981 đã làm bùng ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam..


Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc đã loan báo một giàn khoa thứ nhì, có tên là Nam Hải 9, đang được hạ đặt trong vùng biển giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và duyên hải miền trung Việt Nam.

Giàn khoan mới nằm trong Vịnh Bắc Việt, nơi không có sự đồng thuận về lằn ranh biên giới, nằm cách xa quần đảo Hoàng Sa hơn so với giàn khoan đầu tiên.

Việc hạ đặt giàn khoan đầu tiên, có tên là Hải Dương 981, hồi đầu tháng trước đã làm bùng ra những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội, và hai bên tố cáo nhau về các vụ đâm va tàu. Vụ này cũng châm ngòi cho bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Trung Quốc cung cấp cho giàn khoan đầu một đoàn hộ tống gồm 80 tàu dân sự và tuần duyên đến địa điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các cuộc thào luận song phương căng thẳng ở Hà Nội hôm thứ tư tuần này về giàn khoan đã không đem lại tiến bộ nào.

Trung Quốc chiếm dãy đảo Hoàng Sa của Nam Việt Nam vào năm 1974. 5 năm sau, hai nước đã giao tranh với nhau trong một cuộc chiến biên giới.

Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Ðông, vùng nước giàu tài nguyên thiên nhiên.

Bản đồ nơi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981.


Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, 5 nước khác, gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Ðài Loan cũng đưa ra các khẳng định chủ quyền chồng chéo nhau trong vùng Biển Ðông này.

Căng thẳng gia tăng trong vùng biển cũng đang khơi ra quan ngại từ phía các quốc gia trong vùng không can dự vào cuộc tranh chấp. Trong số này có Australia. Ngoại trưởng Úc, bà Julie Bishop, trong một cuộc phỏng vấn với ban tiếng Triều Tiên của đài VOA, tuyên bố tuy không đề ra một lập trường về cách thức giải quyết các tranh chấp, Australia muốn vấn đề được giải quyết mà không dùng đến vũ lực.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thương lượng và giải quyết các vấn đề theo đúng luật pháp quốc tế. Các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á ASEAN đang đề nghị một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc và chúng tôi ủng hộ quyết định chính sách đó.”

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nói Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với ASEAN để “bền bỉ thúc đẩy các cuộc tham khảo ý kiến đi tới” về bộ quy tắc ứng xử hàng hải. Một cuộc họp để thảo luận vấn đề này sẽ được tổ chức ở đảo Bali của Indonesia.

Các chuyên gia phân tích đã bày tỏ sự hoài nghi về việc Trung Quốc sẽ đồng ý với bất cứ quy tắc mang tính cưỡng hành nào. Họ nêu ra rằng một thỏa thuận như thế sẽ gây trở ngại cho khả năng của Trung Quốc phóng tầm kiểm soát vùng biển qua các cuộc tuần tra và tập trận hàng hải.