Tranh cãi vì khác biệt văn hoá Mỹ-Trung

Khách mời tham dự lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung, tại Bắc Kinh ngày 10/1/2019

Việc tái tục duyệt đơn xin visa tại các phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Trung Quốc tuần này khởi sự ‘chua chát’ sau khi cư dân mạng phản đối một đoạn tin đăng trên truyền thông xã hội của đại sứ quán Mỹ mà họ diễn giải là so sánh sinh viên Trung Quốc với chó.

Cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng Giêng năm ngoái cấm nhập cảnh hầu hết những người không phải công dân Mỹ từng có mặt tại Trung Quốc sau khi virus corona bùng phát.

Trên trang mạng Weibo hôm 5/5, bộ phận duyệt visa trong đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc hỏi sinh viên Trung Quốc còn chờ đợi gì nữa mà không nộp đơn xin visa sau khi chính quyền Joe Biden nới lỏng những hạn chế.

“Xuân đến, hoa nở. Bạn có giống chú chó này đang nóng lòng được ra ngoài vui đùa?” dòng tin của sứ quán bằng tiếng Hoa viết, kèm theo video chiếu cảnh một chú chó con hớn hở tìm cách leo qua hàng rào.

Dòng tin này gây phản ứng phẫn nộ từ một số người sử dụng Weibo vì họ cho là việc ví von này là không thích hợp. Dòng tin đã bị xoá bỏ sau đó.

“Phải chăng đây là lối châm biếm của Mỹ? Tôi tin là họ cố ý!” một cư dân mạng viết.

“Cơ bản chó trong văn hóa Mỹ mang ý nghĩa tích cực, nhưng theo văn hóa và thành ngữ Trung Quốc, chúng phần lớn mang ý nghĩa tiêu cực,” một người sử dụng mạng Weibo nói.

Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các cư dân mạng Trung Quốc nói rằng dòng tin ấy rõ ràng là kỳ thị.

Một phát ngôn viên của sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh sáng 6/5 cáo lỗi với bất cứ ai bị xúc phạm.

“Dòng tin trên mạng xã hội gây thắc mắc này chỉ nhằm mang ý nghĩa nhẹ nhàng, hài hước,” ông nói. “Chúng tôi gỡ bỏ ngay khi chúng tôi thấy nó không được tiếp nhận trong tinh thần mà chúng tôi dự kiến.”

Đây không phải là lần đầu tiên những bình luận liên hệ đến động vật gây nên những phản ứng tại Trung Quốc. Vào năm 2019, một kinh tế gia cao cấp tại Liên hiệp Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) bị cho nghỉ tạm thời sau khi bình luận của ông về loài heo tại Trung Quốc bị một số người xem là có ý phân biệt chủng tộc. Ông này sau đó được cho làm việc trở lại.