Tranh cãi về chủ trương giảm biên chế của Bộ Chính trị Việt Nam

Uỷ viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Photo: Bao Chinh phu.

Bộ Chính trị vừa ra yêu cầu đến năm 2026 toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Giới quan sát tình hình kinh tế, chính trị Việt Nam nói rằng yêu cầu này là “màn trình diễn” thường xuyên được lặp đi lặp lại nhưng không có hiệu quả.

Một kết luận do ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, ký ngày 18/7, cho biết chỉ tiêu như nêu trên, nhưng nhấn mạnh thêm rằng: “Trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt so với biên chế được giao”.

Chủ trương tinh giản biên chế đã có từ Đại hội Đảng XII năm 2016, và được nhắc lại trong một nghị quyết của Đại hội XIII năm 2021, theo đó giới lãnh đạo Việt Nam muốn “toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Tiến sĩ khoa học, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A ở Hà Nội, nêu nhận định với VOA về kết luận mới này của Bộ Chính trị:

“Chuyện mà họ giảm biên chế là chuyện thường như cơm bữa ở Việt Nam này và vài năm lại có một chủ trương như vậy. Và luôn luôn với chủ trương như vậy thì biên chế lại phình ra.

“Tôi không hiểu chủ trương mới này có lặp lại vết xe cũ hay không… Chứ cứ giảm biên chế rồi hóa thành tăng thì nó sẽ là một vòng luẩn quẩn, không bao giờ thoát ra được.”

Your browser doesn’t support HTML5

TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu bịt kín kẽ hở để ‘không thể tham nhũng’ - Điểm tin VOA

Số lượng công chức, viên chức ở Việt Nam hiện ở mức khoảng 3 triệu người, nhưng nếu tính toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Như vậy, cứ trung bình 40 người dân Việt Nam phải “nuôi” một công chức nhà nước.

Kết luận hôm 18/7 của Bộ Chính trị còn cho biết thêm rằng đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021.

Được biết đây là chủ trương của Bộ Chính trị nằm trong kế hoạch chống tham nhũng của Đảng, theo đó họ tin rằng nếu giảm biên chế công chức, viên chức thì sẽ bớt ngân sách trả lương, và dùng số tiền tiết kiệm được để trả lương cao hơn cho số công chức, cán bộ còn lại. Chủ trương này cho rằng nếu công chức, viên chức sống đủ bằng tiền lương nhà nước thì họ sẽ “không muốn tham nhũng nữa”, thực hiện theo tinh thần của thể chế, phương châm “4 không”: “không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết ông không nghĩ rằng mục tiêu chủ trương này của Bộ Chính trị là nhằm để giảm ngân sách nhà nước, hay vì yếu tố kinh tế.

Đánh giá tổng thể nỗ lực giảm biên chế của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Quang A nói:

“Tôi thấy màn trình diễn này đã được trình diễn nhiều lần lắm rồi và luôn luôn không hiệu quả”.

XEM THÊM: Bộ Chính trị họp bất thường, khai trừ khỏi Đảng bộ trưởng Y tế và chủ tịch Hà Nội

Hiện đang tị nạn tại Thái Lan, ông Lê Thương, một cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã tuyên bố bỏ Đảng và từng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nói với VOA về chủ trương giảm biên chế công chức, viên chức:

“Do ngân sách nhà nước cạn kiệt rồi trong khi bộ máy nhà nước cồng kềnh. Họ không có tiền để chi trả lương cho công chức, viên chức nữa do đó bắt buộc phải tinh giảm biên chế bộ máy nhà nước.

“Trống đánh xuôi kèn thổi ngược! Họ nói là giảm biên chế nhưng tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi phải giải trình việc thành phố này dư dôi 5.700 biên chế trong hai năm qua và ông nói nếu không giữ số biên chế này thì không ai đảm nhận được công việc.”

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà hôm 26/6 lên tiếng phê bình chính quyền HCM vì để dư hơn 5.700 biên chế công chức, viên chức này dù Trung ương có nghị quyết tinh giản biên chế 5 năm trước.

Trước đó, tại một hội nghị trực tuyến vào 6/7, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đưa ra chỉ tiêu rằng phải bảo đảm giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đến 2026 so với năm 2021. Bà đồng thời nhấn mạnh việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn chặt với tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương.

Vào năm 2013, khi giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước, nói rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

Ông Phúc nói: “Chế độ công chức của chúng ta hiện nay vẫn nặng tính bao cấp, nên chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ”. Ông nói thêm rằng: “Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề xuất rằng vấn đề quản lý công chức, biên chế nhà nước nên theo giải pháp hành chính chứ không phải theo mệnh lệnh chính trị.

“Một người công chức thật sự là người làm việc tuân theo quy định hành chính, chứ không phải tuân theo các quyết định về chính trị.

“Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam nên tách bạch rõ ra ai là quan chức chính trị, ai là công chức - tức là người làm công ăn lương thông qua thi tuyển và đào tạo, được trả đồng lương đủ sống.”

Ông Lê Văn Thành, một kiến trúc sư giải pháp của Google có văn phòng ở Singapore, hôm 28/7 viết trên trang VNExpress rằng tinh giản biên chế “là chủ trương đúng nhằm làm gọn bộ máy và giảm áp lực lên ngân sách nhà nước, nhưng tinh giản ai, khu vực nào, dựa trên tiêu chí gì... là những câu hỏi mà nếu không được trả lời minh bạch, sẽ dẫn đến việc người giỏi mất chỗ, còn người lười tiếp tục ngồi chơi”.

Trong bài viết “Ngồi không ăn lương”, ông Thành nêu rõ sự khác biệt về mức độ cống hiến và hiệu quả công việc giữa người làm hợp đồng trong các cơ quan nhà nước và những công chức, viên chức có “chân biên chế”, có sẵn “quan hệ”.

Kỹ sư Thành nhận định rằng Việt Nam dù có hệ thống đánh giá hiệu suất công chức, viên chức nhưng còn mang tính hình thức.