Trong năm qua các giới chức Trung Quốc cho biết họ theo đuổi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn và đang giảm thiểu các khoản chi tiêu lớn của chính phủ vốn đã giúp cho họ có được tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Saibal Dasgupta của đài VOA ở Bắc Kinh, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chưa từ bỏ đường lối cũ là gia tăng chi tiêu chính phủ.
Các giới chức Trung Quốc hồi gần đây cho biết họ đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng chậm hơn nhưng “có phẩm chất cao hơn”, nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước và phát triển nền kinh tế với một cách thức cân bằng hơn. Tuần qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã củng cố cho quan điểm này qua việc loan báo chỉ tiêu tăng trưởng 7% cho năm 2015, thấp hơn so với tỉ lệ tăng trưởng bình quân của hai thập niên qua.
Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy chính phủ chưa từ bỏ đường lối cũ.
Ông Lý Khắc Cường cũng cho biết chính phủ muốn gia tăng 13% đầu tư tài sản cố định trong lúc loan báo những khoản đầu tư mới vào những khu vực như năng lượng, đường sắt, bảo tồn nước, thoát nước, và nhà ở.
Một số kinh tế gia cho rằng sự chi tiêu này vượt xa những gì cần thiết để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7% mà chính phủ đã đề ra.
Ông Thẩm Kiến Quang, kinh tế gia trưởng của bộ phận Á Châu của Công ty Chứng khoán Mizuho ở Hồng Kông, nói: “Một kế hoạch thầm lặng để kích thích tăng trưởng kinh tế dường như đã được triển khai dưới hình thức của những khoản đầu tư bổ sung.”
Ông Thẩm nói thêm rằng: “Sự đầu tư bổ sung này có mục đích hỗ trợ cho ngành xây dựng, và nhờ đó, các ngành xi măng, thép và nhà ở cũng sẽ được tăng cường.”
Tháng giêng vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết tạo thêm 10 triệu công ăn việc làm mới trong năm 2015, một phần là thông qua những hoạt động đầu tư mới trong các công nghiệp có liên hệ với ngành xây dựng.
Năm 2008, Trung Quốc đã ra sức ứng phó với một cuộc khủng hoảng tài chánh có thể xảy ra bằng cách loan báo một kế hoạch kích thích tăng trưởng với kinh phí lên tới 570 tỉ đô la. Năm nay, ông Lý Khắc Cường đã quyết định dành riêng 260 tỉ đô la cho các dự án đường sắt và bảo tồn nước trong khi cho biết một số khu vực sẽ nhận được những sự khích lệ tài chánh.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng không thể giải quyết vấn đề kinh niên của Trung Quốc là làm thế nào để gia tăng mức tiêu thụ nội địa và tạo thêm nhu cầu đối với các loại hàng hóa và dịch vụ.
Hồi đầu tuần này Đào Nhiễm, giáo sư kinh tế học của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng mức tiêu thụ vẫn còn quá thấp so với mức cần có để bảo đảm cho sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Trung Quốc. Tiêu thụ của công chúng, theo ước tính, chỉ chiếm khoảng 40% GDP trong khi chi tiêu của các cơ quan chính phủ chiếm phần lớn của phần còn lại.
Để tiến hành những dự án mới này, chính phủ Trung Quốc đang vay thêm tiền.
Bộ trưởng Tài chánh Lâu Kế Vĩ cho biết tại một cuộc họp báo mới đây rằng thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 2,7% GDP. Tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với con số 2,1% của năm ngoái và là mức cao nhất của những năm sau khủng hoảng tài chánh năm 2009, khi mức thâm hụt tăng mạnh tới 2,8%.
Nợ của Trung Quốc đã tăng nhanh trong những năm gần đây, khiến cho một số nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc đang đi trên một con đường không thể tiếp tục. Viện Toàn cầu McKinsey tháng trước ước tính là tổng số nợ của Trung Quốc, gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp và công chúng, nằm ở mức 282% GDP trong năm 2014. Cũng trong bản phúc trình này, McKinsey ước tính nợ của Hoa Kỳ là 269% GDP.
Bộ Tài chánh Trung Quốc đã ra sức kiềm hãm đầu tư để giúp nền kinh tế giảm sốt và làm chậm lại đà gia tăng nợ. Tuy nhiên, nhà phân tích tài chánh Thẩm Kiến Quang nói rằng bộ này dường như dang thay đổi chính sách.
Ông nói: “Tôi nhận thấy những dấu hiệu chứng tỏ Bộ Tài chánh đang thay đổi lập trường. Các nhà máy điện nguyên tử và mạng lưới điện quốc gia mà chính phủ vừa loan báo sẽ mang lại những khoản đầu tư khổng lồ.”
Trong lúc các chính quyền địa phương ở Trung Quốc muốn thực hiện những dự án đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng, những khoản nợ tích lũy từ nhiều năm qua đang làm cho họ khó bề xoay sở. Nhiều chính quyền phải đối mặt với những khoản nợ có lãi suất cao, làm cho họ có thể rơi vào cái bẫy của nợ nần.
Chính phủ trung ương giờ đây đang tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách phát hành trái phiếu để thay cho khoản nợ hiện có, và điều này trên cơ bản là để cho chính quyền địa phương tái cơ cấu nợ để chi tiêu nhiều hơn nữa.
Ông Doãn Trung Khanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chánh Quốc hội, hồi đầu tuần này cho báo chí biết rằng chính phủ trung ương sẽ phát hành 160 tỉ đô la trái phiếu lãi suất thấp để thay cho những khoản nợ hiện có của các chính quyền địa phương.