Đường dẫn truy cập

Đại công ty Foxconn định dùng người máy để thay nhân công


Dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Foxconn.
Dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Foxconn.

Đại công ty Hồng Hải (Foxconn) trong nhiều năm nay đã dùng lao động giá rẻ ở Trung Quốc để sản xuất iPad và iPhone cho công ty Apple. Giờ đây công ty chuyên lắp ráp các mặt hàng công nghệ cao này dự trù dùng hàng vạn người máy để thay cho nhân công. Theo tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA ở Đài Bắc, nơi có trụ sở chính của Hồng Hải, một tổ chức lao động lâu nay vẫn thường chỉ trích công ty Hồng Hải nói rằng đây là một diễn tiến tốt.

Công ty Hồng Hải của Đài Loan thuê mướn khoảng một khoảng một triệu công nhân tại các công xưởng ở Trung Quốc để sản xuất những mặt hàng điện tử của những thương hiệu hàng đầu thế giới. Nhưng ông Quách Đài Minh, Tổng Giám đốc Hồng Hải, hồi tháng trước cho báo chí biết rằng công ty ông chỉ cần 3 năm để tự động hóa 70% dây chuyền sản xuất. Ông nói rằng dùng máy móc thay cho người sẽ gia tăng hiệu suất hoạt động.

Bà Vương Cúc Mai, một nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường Gartner ở Đài Bắc, nói rằng tự động hóa là một xu thế mà công ty Hồng Hải không thể làm ngơ.

"Hồng Hải phải dùng người máy thay cho người trong một số quá trình của dây chuyền sản xuất và đó là một việc dễ hiểu. Khách hàng chính của Hồng Hải, là công ty Apple, cũng dự trù đi theo chiều hướng này."

Cho nên họ phải sắp xếp để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và giảm bớt giá thành lao động trong tương lai. Từ 10 năm tới 20 năm nữa, các công ty sẽ không còn có thể chỉ hoàn toàn dựa vào sức người cho các hoạt động chế tạo.

Vào năm 2011, Chủ tịch công ty Hồng Hải cho biết công ty ông sẽ dùng một triệu rô bô để thay cho một số công nhân. Hai năm sau đó, công ty này nói rằng họ sẽ chi tiêu 40 triệu đô la để nghiên cứu và chế tạo người máy tại tiểu bang Pennsylvania của Mỹ.

Công ty Hồng Hải, còn được biết với tên tiếng Anh là Foxconn, đang đối mặt với sự cạnh tranh khá gay gắt vì tiền lương ở Trung Quốc tăng cao, một xu thế đã khiến cho nhiều công ty đa quốc nới rộng hoạt động sản xuất tại các nước Đông Nam Á.

Tiền lương ở Trung Quốc tăng với tỉ lệ 13% trong năm ngoái. Các công xưởng ở miền đông Trung Quốc cũng chật vật để thuê mướn nhân công vì giá sinh hoạt tăng cao khiến cho nhiều người lao động chuyển tới làm việc tại các thành phố nằm sâu trong nội địa, là những nơi tuy kém phát triển nhưng chi phí sinh hoạt cũng vì thế mà ít đắt đỏ hơn. Trong năm ngoái, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Trung Quốc, chủ yếu là trong ngành chế tạo, đã tăng với tỉ lệ đặc biệt thấp là 2%.

Ông Lương Quốc Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Yuanda-Polaris, nói rằng một công ty lớn như công ty Hồng Hải không có lựa chọn nào khác hơn là tự động hóa.

"Hồng Hải là một công ty lớn và qui mô sản xuất của họ rất lớn. Họ phải tự động hóa vì giá thành lao động tăng cao và nhân công bị khan hiếm. Việc sử dụng người máy cũng giúp cho Hồng Hải tránh được những mối rủi ro của vấn đề tranh chấp lao động ở Trung Quốc. Tiếng tăm của công ty đã bị thương tổn vì những vụ tự tử của nhân công và những vụ đình công đòi cải thiện điều kiện làm việc trong 5 năm qua."

Những người lao động ở Trung Quốc bây giờ không còn phải dựa vào những công ty như Hồng Hải để có công ăn việc làm.

Ông Geoff Crothall, phát ngôn viên của Bản tin Lao động Trung Quốc, một tổ chức ở Hồng Kông chuyên tranh đấu cho quyền lợi của người lao động, nói rằng số người xin vào làm việc cho công ty Hồng Hải đã giảm rất nhiều. Ông cho biết nhiều người Trung Quốc giờ đây muốn học tiếp hoặc làm những loại công việc khác, vì kinh tế nước này đã bắt đầu đa dạng hóa.

"Các bạn không còn thấy công nhân xếp hàng dài cả dãy phố để chờ tới lượt nộp đơn xin vào Foxconn làm việc. Nhiều công nhân đang tìm những việc làm tốt hơn ở những nơi khác. Đà gia tăng dân số ở Trung Quốc đang chậm lại. Số người rời nhà trường để đi làm ngay đã giảm xuống."

Ngày càng có nhiều người muốn học tiếp và cũng có nhiều cơ hội hơn để có công ăn việc làm ở những nơi khác với các công xưởng loại này.

Công ty Hồng Hải, qua một số cách thức khác, đã bắt đầu rời khỏi thị trường lao động Trung Quốc từ 3 năm qua.

Hồng Hải, với doanh thu 130 tỉ đô la/năm, hy vọng có thể phát triển công cuộc kinh doanh của họ ở Mỹ. Họ cũng lập ra một trung tâm nghiên cứu phát triển với kinh phí 1 tỉ đô la ở Jakarta. Và có tin cho biết công ty này còn định sản xuất thêm các mặt hàng điện tử mang thương hiệu của chính mình, trong đó có điện thoại thông minh và xe hơi chạy bằng điện.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG