Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/7 nói không có và sẽ không bao giờ có việc cưỡng bách tái định cư một cao nguyên tại khu vực có nhiều người Tây Tạng cư trú được Liên hiệp quốc công nhận là di sản thế giới, sau khi có sự lo ngại của nhiều tổ chức Tây Tạng.
Những tổ chức này cho rằng việc công nhận di sản thế giới của UNESCO có thể cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc, di dời cư dân khỏi khu vực có tên là Hy Nhĩ (Hoh Xil), tại tỉnh Thanh Hải và đe dọa môi trường và văn hóa du mục tại đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố gởi cho Reuters nói việc liệt kê vào danh sách di sản thế giới của tổ chức văn hóa Liên hiệp quốc trong tuần qua cho thấy cộng đồng thế giới “ủng hộ hoàn toàn” sự thành công của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường Hy Nhĩ.
Đơn của chính phủ Trung Quốc xin được UNESCO công nhận Hy Nhĩ là di sản thế giới cho thấy quyết tâm của chính phủ tôn trọng hoàn toàn những ước muốn, văn hóa truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo và đời sống của người dân du mục sinh sống tại đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm “Chính phủ Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ không có việc cưỡng bách di dời cư dân nào trong khu vực Hy Nhĩ.”
Khu vực này có độ cao hơn 4.500 mét và là nơi cư ngụ của một vài chủng loại động vật đặc hữu cũng như là con đường di trú của loài linh dương Tây Tạng có nguy cơ tuyệt chủng.
Các tổ chức nhân quyền Tây Tạng cho rằng việc chỉ định của UNESCO có thể làm gia tăng những nỗ lực của Trung Quốc di dời những người du mục vào định cư tại các làng xã.
Trung Quốc thường xuyên bác bỏ những chỉ trích của những tổ chức nhân quyền và lưu vong cáo buộc Bắc Kinh dẫm đạp các quyền văn hóa và tôn giáo của người dân Tây Tạng và nói rằng việc cai trị của Trung Quốc đã mang lại thịnh vượng cho một vùng trước đây có thời thụt lùi so với những nơi khác.
Bên cạnh vùng được Trung Quốc gọi là Vùng Tự trị Tây Tạng, còn có những cộng đồng rộng lớn Tây Tạng tại những tỉnh lân cận như Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Những vụ rối loạn xảy ra thường kỳ chống Trung Quốc tại những khu vực của người Tây Tạng, đặc biệt là vào năm 2008, khi những cuộc biểu tình do các nhà sư lãnh đạo trở nên bạo động với việc các người bạo loạn đốt cửa hàng và nhà cửa của người dân, nhất là của người Hán đa số mà nhiều người Tây Tạng xem như là những người ngoại nhập đe dọa văn hóa của họ.