Những người biểu tình Tây Tạng ở Thụy Sĩ nói họ cảm thấy thất vọng với chính phủ Thụy Sĩ vì đã gây khó khăn cho họ khi họ biểu tình phản đối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm 16/1, các quan chức Thụy Sĩ đã cho những người Tây Tạng 2 giờ đồng hồ để biểu tình trước khi ông Tập Cận Bình tham gia một sự kiện chính thức đón tiếp ông ở Bern. Khoảng 32 người biểu tình Thụy Sĩ gốc Tây Tạng bị bắt giam khi họ hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc bên ngoài trụ sở quốc hội Thụy Sĩ ở Bern. Cảnh sát nói những người biểu tình đã vượt ra khỏi phạm vi khu vực cho phép.
Một thành viên của Hiệp hội Thanh niên Tây Tạng có tên Migmar Dhakyel nói với VOA:
"Tình hình bên trong Tây Tạng đang tồi tệ đi từng ngày. Người dân của chúng tôi đang bị đàn áp, họ đang bị cầm tù, người Tây Tạng đang bị chính phủ Trung Quốc sát hại và trong tư cách là những công dân Thụy Sĩ, chúng tôi thực sự quan ngại về việc chính phủ của chúng tôi, chính phủ của chính chúng tôi đối xử với chúng tôi như thế, không cho phép chúng tôi biểu tình và còn trao đổi thương mại với một chính phủ độc tài như Trung Quốc. Vì vậy chúng tôi tới đây để nói về vấn đề nhân quyền, chúng tôi ở đây để nói về Tây Tạng."
Theo cảnh sát thành phố Bern, họ đã ngăn chặn một thanh niên Tây Tạng khoảng hơn 20 tuổi khi anh tìm cách tự thiêu. Văn phòng Tây Tạng ở Thụy Sĩ nói tất cả những người bị bắt đã được trả tự do cùng ngày.
Người đứng đầu hiệp hội Tây Tạng tổ chức các cuộc biểu tình phàn nàn rằng sự do dự của chính phủ Thụy Sĩ trong việc cấp giấy phép sẽ ảnh hưởng tới các cuộc biểu tình đã được dự kiến cho ngày 17-18/1.
Chủ tịch Cộng đồng Tây Tạng ở Thụy Sĩ, Tenzin Nyingpo, nói các quan chức đồng ý cho phép họ biểu tình vào ngày 18/1 khi ông Tập thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva.
Ông Nyingpo nói chính quyền giờ đây yêu cầu ông hoặc là hủy bỏ cuộc biểu tình hôm 18/1, hoặc chỉ được biểu tình sau khi trụ sở Liên Hiệp Quốc hết giờ làm việc.
Thụy Sĩ là một trong những nước tiếp nhận người tị nạn Tây Tạng vào đầu thập niên 1960 khi nhiều người Tây Tạng chạy sang Ấn Độ để thoát sự chiếm đóng của Trung Quốc tại nước họ.
Ngày nay có khoảng 3.500 người Tây Tạng sống ở Thụy Sĩ, theo một trang web của Cộng đồng Tây Tạng ở Thụy Sĩ.
Ông Tập Cận Bình theo dự kiến sẽ là chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc tham gia Diễn đàn kinh tế ở Davos.